Sẽ có đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine

0 giờ ngày 1-3, hãng Sputnik đưa tin cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Nga và Ukraine ngày 28-2 tại khu vực Gomel của Belarus đã kết thúc sau 3 vòng. Hai bên quay về thủ đô của mỗi nước để tham vấn thêm. 
Phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán ngày 28-2 tại Belarus
Phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán ngày 28-2 tại Belarus

Có lợi cho đôi bên

Belarus News cho biết cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức trong những ngày tới. Phái đoàn Nga nói với hãng tin này họ đã nắm bắt những điểm nhất định và từ đó có thể đoán định được lập trường chung.

Trước đó, theo hãng tin Tass, đại diện phái đoàn của Nga tham gia đàm phán có phụ tá Tổng thống Vladimir Medinsky; Thứ trưởng Ngoại giao Andrey Rudenko; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin; người đứng đầu Ủy ban Quốc tế thuộc Duma Quốc gia Leonid Slutsky và Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov. Về phía Ukraine có Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov; người đứng đầu đảng Đầy tớ nhân dân David Arakhamia; Thứ trưởng Ngoại giao Nikolay Tochitsky, cố vấn Tổng thống Mikhail Podolyak; nghị sĩ Quốc hội Rustem Umerov và Phó Trưởng phái đoàn Ukraine trong Nhóm tiếp xúc ba bên Andriy Kostin. 

Trước khi đàm phán diễn ra, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, nội dung quan trọng là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và Nga rút quân khỏi Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết sẽ không công bố quan điểm chính thức trước cuộc họp. Ông Medinsky cho hay, Moscow mong muốn hai bên đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt và tất nhiên phải phù hợp với lợi ích hai bên.

Phái đoàn Nga tới Belarus từ sáng 27-2 với kế hoạch ban đầu là đàm phán tại thủ đô Minsk, song phía Ukraine từ chối phương án này và đề xuất các địa điểm khác. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, Ukraine đồng ý đàm phán với Nga tại khu vực Gomel ở biên giới giữa Belarus và Ukraine mà không bao gồm điều kiện tiên quyết.

Đủ sức đối phó

Cùng ngày, Nga đã cấm các hãng hàng không của 36 quốc gia, trong đó có Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Canada, sử dụng không phận nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực hàng không của nước này. Trước đó một ngày, Cơ quan giao thông hàng không Liên bang Nga thông báo đã đóng cửa không phận đối với máy bay từ các nước Latvia, Estonia, Lithuania và Slovenia, bao gồm cả các chuyến bay quá cảnh. Đây là những nước trước đó áp đặt hạn chế bay đối với các hãng hàng không của Nga.
Theo truyền thông Nga, ngày 28-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phải hủy chuyến đi tới Geneva, Thụy Sĩ để tham dự hội nghị về giải trừ quân bị do máy bay không thể đi qua không phận mà EU đã đóng cửa với các hãng hàng không Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga có đủ năng lực cần thiết để vượt qua những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trước mắt, Ngân hàng trung ương Nga thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20%. Theo cơ quan này, đây là biện pháp khẩn, đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát. Đây cũng là động thái cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.

Trong một nỗ lực khác nhằm hỗ trợ đồng ruble, Ngân hàng trung ương Nga và Bộ Tài chính Nga đã yêu cầu các công ty xuất khẩu của nước này bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ trên thị trường. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đồng ruble tại Sở giao dịch chứng khoán Moscow đã giảm xuống còn 90 ruble đổi được 1 USD và 101,19 ruble đổi được 1 EUR. Trước đó, để duy trì sự ổn định trong lĩnh vực tài chính, bất chấp các trừng phạt của phương Tây, Ngân hàng trung ương Nga đã yêu cầu các công ty tham gia thị trường chứng khoán từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài…

Trang tin Politico ngày 28-2 dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ muốn thiết lập kênh liên lạc quân sự với Nga, như đã từng thiết lập tại Syria năm 2015, nhằm tránh các tính toán sai lầm ở Ukraine. Hiện Nga vẫn chưa phản hồi về đề nghị này. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine, đồng thời xác nhận đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tuy nhiên, công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Energoatom của Ukraine đã bác bỏ thông tin rằng Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu này. Trong khi đó, quân đội Ukraine cho biết, lực lượng này vẫn nắm quyền kiểm soát thủ đô Kiev.

Tin cùng chuyên mục