Nội dung kiến nghị ghi rõ, trường hợp đến ngày 30-9, Bộ Công thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn thì sẽ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco về cho Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Vì theo Cục Tài chính doanh nghiệp, việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.
Để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, số vốn cần thoái là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỷ đồng. Do vậy, ngoài việc chuyển đổi chủ sở hữu quản lý để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, Bộ Tài chính còn đề xuất nhiều giải pháp khác cùng tiến hành đồng bộ; trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện thoái vốn nhà nước theo tiến độ đã được phê duyệt; nghiêm túc triển khai việc bàn giao các doanh nghiệp về SCIC; đôn đốc doanh nghiệp đã cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không tuân thủ quy định; sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để đảm bảo một đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu DNNN. Đồng thời cho phép nêu tên, phê bình các bộ, ngành và DNNN không thực hiện báo cáo theo quy định.