Sẻ chia yêu thương

Đã thành thói quen, hễ có thời gian rảnh, chị Cung Kim Phượng, Tổ trưởng Tổ Hội phụ nữ 59, khu phố 4, phường 9 (quận 10, TPHCM) lại ghé thăm các cụ già neo đơn. Phần quà khi thì gói bánh, khi bịch trái cây, lúc là ít tập sách, chiếc áo mới... Cứ thế, chị Phượng coi các cụ như người thân và luôn mang niềm vui, sự lạc quan đến với họ.
Bác sĩ trẻ Tạ Minh Tùng thăm khám cho trẻ em
Bác sĩ trẻ Tạ Minh Tùng thăm khám cho trẻ em

Lan tỏa niềm vui

Mấy ngày nay, chị Phượng cùng chị em phụ nữ trong chung cư Ấn Quang (khu phố 4, phường 9, quận 10) tất bật họp bàn để chuẩn bị cho hội thi duyên dáng áo dài nhân dịp Ngày Phụ nữ quốc tế 8-3 sắp đến. Không chỉ họp trực tiếp những lúc rảnh rỗi, mà trên nhóm trò chuyện Zalo, các chị cũng bàn luận chọn vải, chọn màu để may áo dài và nơi chụp hình.

Đi ra ngoài, thấy mẫu áo dài nào đẹp, chị Phượng lại nhắn lên nhóm trò chuyện Zalo để chị em tham khảo. Dù không là thí sinh dự thi nhưng chị luôn năng nổ trong kêu gọi và động viên tinh thần mọi người. Theo chị Phượng, hội thi là dịp để gắn kết chị em trong chung cư nên bản thân chị làm được gì thì sẽ tham gia.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị Phượng cùng các dì, các chị trong chung cư Ấn Quang cũng đã có những hoạt động gắn kết cùng nhau, như tổ chức gói bánh chưng, nấu bánh, cùng nhau tổng vệ sinh khu vực chung. Các chị cũng không quên trồng thêm cây xanh, hoa vào “vườn hoa” ở hành lang. Điều nhiều người xúc động là luôn thấy chị Phượng tất bật lui tới thăm nom các cụ già neo đơn, các em nhỏ mồ côi do dịch Covid-19.

Trên tay chị, khi thì túi quà, lúc là tấm áo mới để mang chút hương sắc mùa xuân sẻ chia cùng mọi người. Hơn ai hết, chị Phượng thấu cảm với những đứa trẻ côi cút trong mùa xuân cũng như trong cuộc sống, bởi 2 con chị cũng vừa mất cha do dịch Covid-19. “Tôi hạnh phúc khi dịp tết vừa qua, các con vẫn có thêm tấm áo mới, chiếc bánh chưng, bao lì xì do mọi người xung quanh trao tặng. Và cũng chính tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của bà con xung quanh đã giúp các con thấy mình không bơ vơ giữa cuộc đời”, chị Phượng bày tỏ.

Sau biến cố mất đi người trụ cột của gia đình, nhìn 2 con và mẹ già, chị Phượng tự động viên phải vực dậy tinh thần để trở thành trụ cột thay chồng. Sợ thời gian rảnh sẽ làm mình suy nghĩ nhiều về nỗi đau nên chị tích cực tham gia hoạt động xã hội. Các cuộc thăm viếng, sẻ chia cùng những hoàn cảnh khác giúp chị cân bằng cuộc sống và lan tỏa niềm vui đến nhiều người.

Chăm lo sức khỏe cộng đồng

Từng là một trong những sinh viên đầu tiên của TPHCM xung phong đi vào tâm dịch Covid-19 hồi tháng 6-2021, nay chàng sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Tạ Minh Tùng đã trở thành bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang. Dù ký ức những ngày căng mình chống dịch đã lùi xa, nhưng Tùng cho biết, chính trong khó khăn mới nhìn thấy, thấu hiểu những khó khăn của người dân khi phải chống chọi bệnh tật, và nhận ra những mặt còn yếu, thiếu của hệ thống y tế cơ sở.

Vì vậy, ngay sau ngày tốt nghiệp, mặc dù được nhà trường giữ lại để công tác, Tùng vẫn chọn về quê ở Tiền Giang với mong muốn cống hiến một chút sức nhỏ nhoi cho hệ thống y tế của quê hương. “Em chọn khoa Nhi vì thấy mình có nhiều cảm xúc với trẻ. Còn chọn về quê, ngoài muốn đóng góp chút sức trẻ cho quê hương, em cũng muốn được ở gần những người thân yêu trong gia đình nhiều hơn. Bởi em đã xa gia đình nhiều, lại trải qua cơn đại dịch, em biết điều gì quý giá với bản thân và hiểu mình cần hành động như thế nào cho thích hợp”,

Tùng chia sẻ. Sau chuyến tình nguyện vào tâm dịch, Tùng vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, và từ đó ý thức trách nhiệm, vai trò của người đảng viên trẻ càng thôi thúc Tùng ấp ủ nhiều dự tính cống hiến cho hệ thống y tế tỉnh nhà.

Từ trong gian khó, không chỉ những cá nhân nhận ra mình cần thay đổi, mà ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp, những cách làm mới, chăm lo người lao động cũng được triển khai. Khi dịch Covid-19 xuất hiện tại TPHCM, để chăm sóc sức khỏe người lao động, Ban giám đốc Công ty cổ phần In số 7 đã thành lập phòng khám ngay tại công ty, mời bác sĩ đến thăm khám sức khỏe cho người lao động. Hiện phòng khám vẫn duy trì hoạt động và mỗi tuần có 3 buổi mời bác sĩ đến chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động.

Theo ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần In số 7, nhờ có phòng khám tại chỗ nên người lao động cảm thấy yên tâm hơn về sức khỏe bản thân. Hiện công ty đã lắp đặt thêm các thiết bị thể thao ngoài trời để người lao động nâng cao thể lực. Sắp tới, công ty sẽ thành lập các câu lạc bộ thể thao, mở lớp tập yoga để người lao động có thể tham gia tập luyện thể thao, tăng cường sức khỏe sau giờ làm việc. Đó cũng là cách sẻ chia cùng người lao động để họ gắn bó lâu dài với công ty.

Tin cùng chuyên mục