Nhìn đồng hồ đã 17g30, tôi vội vàng thu xếp để về nhà vì đã hẹn với con gái đi xem phim. Điện thoại của tôi chợt rung lên với dòng tin nhắn: Em ơi, cà phê nhé, chị buồn…
Tôi ngồi nghe chị kể về gia đình, về cuộc sống, về những nỗi trăn trở mà bất cứ ai, bất cứ gia đình nào cũng từng xảy ra những điều tương tự. Chị có đầy đủ - chức vị, nhà cửa, con trai, con gái và có tất cả những gì người khác mơ ước mà không có được. Thế mà cuộc sống vẫn không làm chị hài lòng. Tôi nghe và hiểu những điều chị đang đau khổ, đang ray rứt và ước ao có một chút xíu tự do như chị, còn chị lại ước ao “được” gò bó như tôi.
Thế mới thấy, con người chẳng bao giờ hạnh phúc với những điều mình đang có. Đúng như người ta thường nói: “Đứng núi này lại trông núi nọ”.
“Nếu chị thấy một gia đình hạnh phúc, chị nên tin rằng ở trong gia đình ấy có một người đàn bà biết quên mình”.
19g… Điện thoại tôi lại rung. Tôi tiếp tục lắng nghe. Điều gì đang đến với người phụ nữ lớn tuổi chỉ vì yêu thương con cháu luôn mong muốn các con mình hạnh phúc nhưng lại không thể sống cùng các con... Bà luôn tự nhủ với mình, không thể để các gia đình nhỏ vì bà mà không vui. Nhưng việc gì đến sẽ đến. Bà không chịu nổi những gì mình chứng kiến - sự cãi vã, to tiếng… Bà quyết định trở về chốn bình yên của mình để tránh tổn thương từ hai phía. Ở nơi đó, bà tìm được sự thanh thản, nhẹ nhàng, với khoảnh vườn nho nhỏ, chiếc võng đong đưa với những hoài niệm của một thời. Thỉnh thoảng nhớ con, nhớ cháu, bà sẽ về thăm vài ngày rồi lại đi, bà nói với tôi như thế.
“Lòng mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự khoan dung. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khổ, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.
21g30… chuẩn bị đi ngủ. Điện thoại nhà lại vang lên. Lần này là cô em ở cách tôi cả một đại dương, trẻ trung, xa nhà, không một người thân bên cạnh. Em qua ấy những tưởng sẽ thay đổi vận mạng của cuộc đời, nào ngờ… Ông chồng già lớn hơn em cả 40 tuổi, đông con cái. Ai nhìn vào cũng nghĩ em sẽ được cưng chiều. Mà nào em có phải loại người ăn không ngồi rồi. Buổi sáng dậy sớm lo nước. Đi làm về, tối đến cũng chẳng yên thân. Hôm nay đay nghiến cái này, ngày mai đay nghiến cái nọ.
Cũng phải thôi, em và con cái ông ấy tuổi cũng ngang nhau nên xưng hô thiệt là ngượng mồm. Họ lo chơi còn mình chúi mũi mà hầu hạ. Nhiều khi em muốn về nhà nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cố gắng làm, cố gắng sống để hy vọng có ngày rước con qua có mẹ có con (ở VN em còn có đứa con riêng đã 14-15 tuổi bị bệnh down). Ước mơ lớn nhất của em lúc này là có điều kiện chữa bệnh cho con. Thương em quá, nghe em nói trong tiếng khóc khiến tôi nao cả lòng.
Tôi đọc đâu đó bài thơ xin trích dẫn qua câu chuyện của em:
Người con gái Việt Nam
Trên đại lộ Sri Ayuthaya, Bangkok
Em đứng đó một mình ôm mặt khóc
Như chợt nhớ ra đây không phải Sài Gòn
Mái tóc thu buồn
Mái tóc héo hon…
Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayuthaya
đang nhắm mắt nhìn đời trôi vô tận.
Tuy mệt mỏi với công việc cả ngày. Thế nhưng, được chia sẻ và lắng nghe đã khiến tôi quên đi nỗi mệt mỏi. Có lẽ đêm nay, tôi ngủ thật ngon vì “Nỗi đau thương chia đôi là nửa nỗi đau thương. Niềm vui sướng chia đôi là hai niềm vui sướng”
BÍCH TRUNG