Sẻ chia nhỏ, niềm vui lớn

“Tui xin mấy bộ quần áo được không cô?”, anh công nhân xây dựng rón rén ở cửa gian hàng quần áo cũ đặt tại cổng UBND phường 16 quận 8 (TPHCM) - thuộc dự án “Trao yêu thương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường này triển khai. Khi nhận được sự đồng ý, gương mặt anh rạng rỡ hẳn.

Trao yêu thương

Anh công nhân ấy tên Nguyễn Văn Đạo, quê ở Bạc Liêu, phụ hồ cho công trình đối diện UBND phường 16. Hàng ngày anh vẫn thấy mọi người tới lựa đồ đem về sử dụng nhưng nghĩ chỉ người dân ở phường mới được nhận, anh dân xa xứ làm thuê, không dám xin. “Bữa hổm cô bán cơm bảo ai lấy cũng được nên tui đánh liều qua đây xin, ai dè các cổ cho thiệt. Các cổ còn bảo lấy nhiều nhiều về cho sắp nhỏ”, anh Đạo phấn khởi kể.

Sẻ chia nhỏ, niềm vui lớn ảnh 1 Hội LHPN phường 16 quận 8 đưa gian hàng “Trao yêu thương” tới các khu công nghiệp để tặng quần áo cho công nhân
Cầm mấy chiếc áo thun còn nguyên mác, anh hào hứng: “Đồ cũ người ta cho mà còn mới nguyên ha cô, chắc sắp nhỏ nhà tui vui lắm. Nói chớ, đồ cũ ở đây mà coi bộ xịn hơn đồ mới bán ở chợ quê tui, mặc vài bữa bung chỉ hết ráo”. Công trình đã hoàn thành, ngày mai anh Đạo sẽ về quê, mang theo khoản tiền anh dành dụm mấy tháng xách hồ, khuân gạch về sửa lại cái mái nhà, mua tôn mới thay cho đám lá dừa đã cũ mục. Anh tâm sự: “Tui đi xa làm ăn hơn nửa năm mới về, không có quà thì sắp nhỏ cũng buồn mà mua đồ trên thành phố thì đắt đỏ, một bộ quần áo cũng vài trăm ngàn, bằng cả tấm tôn chứ đâu ít. May quá có mấy bộ quần áo này tui đem về làm quà, vừa vui lại tiết kiệm được tiền lo công chuyện”.

Mô hình “Trao yêu thương” của Hội LHPN phường 16 ra đời từ năm 2017, từ đơn “đặt hàng” của Hội LHPN quận 8. Chủ tịch Hội LHPN phường 16 Bùi Thị Kim Hường cho biết, ban đầu chỉ tính làm vài chiến dịch quyên góp quần áo, giày dép, túi xách, mền, nệm, đồ gia dụng thiết yếu cũ để tặng lại cho người lao động trên địa bàn phường, nhưng sức lan tỏa lớn quá nên hội duy trì đến nay.

Mỗi ngày, hội nhận hàng chục bao đồ của người dân ở TPHCM và nhiều tỉnh lân cận gửi về, các hội viên lựa những đồ còn đẹp, một phần đem tới 3 cửa hàng 0 đồng (đặt tại chung cư An Dương Vương, khu nhà trọ 62/1 An Duơng Vương và trụ sở UBND phường 16) để người dân thoải mái lựa chọn, hay đem tới tận các khu công nghiệp tặng cho công nhân, phần lớn còn lại đóng kiện, đưa lên vùng cao tặng cho bà con nghèo.

“Dù chỉ là đồ cũ, mô hình này cũng không phải mới nhưng tâm huyết của các hội viên đặt vào từng chiếc áo, món đồ trước khi trao tận tay người cần mới đáng quý”, chị Kim Hường chia sẻ.

Gắn nhiệm vụ với quyền lợi của phụ nữ

Ở phường 16, dân số khoảng 40.000 người thì trên 20.000 người là dân nhập cư, chủ yếu họ làm công nhân, lao động chân tay, đang tạm trú tại các khu nhà trọ nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình, vì kinh tế mà vợ chồng thường xuyên to tiếng, con cái phải nghỉ học sớm, Hội LHPN phường 16 đặt ra bài toán làm cách nào giúp họ cải thiện được đời sống. 

Sau nhiều phương án, các hội viên thống nhất lập Câu lạc bộ (CLB) “Dịch vụ gia đình”, thu hút hơn 100 phụ nữ tham gia. Hội đứng ra làm cầu nối để những gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc, dọn nhà, nấu ăn, phục vụ bàn, đưa rước học sinh… kết nối được với người cần việc. Hội LHPN phường 16 cũng kết nối với các trung tâm y tế, bệnh viện quận, xin các suất khám bệnh tổng quát để tặng cho phụ nữ trên địa bàn; hỗ trợ tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho nữ công nhân… Từ đó, nhiều gia đình đã cải thiện được đời sống, nhiều chị em công nhân ở các khu nhà trọ trở thành lực lượng nòng cốt của hội.

Theo chị Kim Hường, từ những trợ giúp thiết thực ấy mà Hội LHPN phường 16 đã thâm nhập được vào nhiều xóm trọ để làm công tác chính trị. Cụ thể, năm 2015, hàng loạt công nhân làm việc tại doanh nghiệp ở quận Bình Tân bị các đối tượng xúi giục, kích động ngưng làm việc tập thể. Rà soát lại, thấy nhiều công nhân của công ty ở trọ trên địa bàn phường 16, hội liền vận động phụ nữ trong các xóm trọ ổn định tinh thần, không nghe theo kẻ xấu.

Từ lực lượng nòng cốt đã xây dựng, Hội LHPN phường 16 tiếp tục thành lập CLB “Nữ công nhân nhà trọ” với hơn 60 thành viên, qua đó tuyên truyền cho chị em phụ nữ về những chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời động viên họ khuyên người nhà không nghe theo lời các đối tượng dụ dỗ, kích động. “Kết quả là người lao động sinh sống trên địa bàn phường hoàn toàn không tham gia vào các vụ ngưng việc tập thể xảy ra trong thời gian qua”, chị Hường cho biết.

Bằng những việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại giá trị thiết thực cho phụ nữ, cho công nhân và người lao động, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị trên địa bàn phường, Hội LHPN phường 16 quận 8 đã được Thành ủy TPHCM tuyên dương tập thể điển hình trong học tập và làm theo gương Bác. Riêng mô hình “Trao yêu thương” được Hội LHPN TPHCM chọn làm điểm và nhân rộng ra nhiều quận huyện.

Gần 3 năm đưa vào hoạt động, mô hình “Trao yêu thương” đã có hơn 2.500 lượt tổ chức, cá nhân đến chung góp trên 12 tấn quần áo và các trang thiết bị, đồ gia dụng thiết yếu. Qua đó đã hỗ trợ trên 2.000 lượt người đến nhận tại 3 shop 0 đồng ở TPHCM; tổ chức hàng chục chuyến tặng quà cho bà con vùng sâu vùng xa với hơn 8 tấn quần áo, 100 tấm nệm và hàng trăm đồ gia dụng thiết yếu…

Tin cùng chuyên mục