Cạn kiệt máu dự trữ
Theo Trung tâm Hiến máu nhân đạo, những ngày qua, mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng 100 lượt người đăng ký hiến máu, rất thấp so với ngày bình thường. Tại Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học TPHCM, kho dự trữ máu là nơi cung cấp cho gần 150 BV trên địa bàn thành phố, trong đó có cả các BV điều trị Covid-19 nhưng lượng máu cũng đang thiếu hụt so với yêu cầu.
Hiện số đơn vị máu tiếp nhận được chỉ đạt khoảng 1/10 lượng máu thành phố cần mỗi ngày, phải nhận hỗ trợ từ Ngân hàng máu quốc gia. Trong khi đó, Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy được Bộ Y tế giao nhiệm vụ cung cấp máu cho BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất và 5 tỉnh khu vực Đông Nam bộ với mức dự trữ an toàn từ 8.000-10.000 đơn vị máu nhưng những tuần qua liên tục giảm sút, có khi chỉ còn nhỉnh hơn 2.000 đơn vị máu. Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy, lượng máu hàng ngày cần tiếp ứng ở thời điểm không có dịch khoảng 700-800 đơn vị, nhưng nay giảm đi nhiều, máu dự trữ rơi vào tình trạng cạn kiệt. Trong khi lượng sử dụng trong cấp cứu và điều trị tại BV Chợ Rẫy hiện trung bình khoảng 200-300 đơn vị/ngày.
Không những tại TPHCM, nhiều tỉnh thành khác cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm máu cấp cứu, điều trị. BS CKII Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, cho biết, lượng máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị tại các BV ở vùng ĐBSCL đang tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng. Cụ thể, hiện nguồn máu chỉ đủ đáp ứng từ 10%-20% so với nhu cầu của các BV tại khu vực. BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ vừa tiếp nhận khẩn cấp 1.000 đơn vị máu từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Còn tại các tỉnh Tây Nguyên, do chủ động nguồn máu cứu người nên thiếu hụt không đáng kể. Ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng, cho biết, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, hội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương vận động tổ chức 28 đợt hiến máu tình nguyện cứu người, đã tiếp nhận 6.594 đơn vị máu. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, ông Dương Đình Diện, cho hay, ngoài tổ chức hiến máu theo kế hoạch đã được phê duyệt, tỉnh tổ chức hiến máu khẩn cấp, lượng máu kêu gọi đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu và điều trị…
Theo số liệu thống kê từ ngân hàng máu BV Truyền máu - Huyết học TPHCM, từ giữa tháng 6-2021, kho máu giảm dần từ 10.000 túi máu xuống 3.300 túi máu (ngày 23-7) do hàng loạt chương trình hiến máu lưu động bị hủy. Hiện tại, ngân hàng duy trì ở mức 3.000-3.500 túi, đây là con số thấp nhất trong vòng 18 tháng qua. Theo Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, từ ngày 1-5 đến 29-7, trung tâm đã tiếp nhận được 24.195 đơn vị máu, giảm 19.555 đơn vị so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó tháng 7-2021, lịch đăng ký khoảng 18.000 đơn vị, thực tế chỉ tiếp nhận được 2.618 đơn vị. Tháng 8-2021, lịch đăng ký là 17.480 nhưng chỉ tiếp nhận gần 3.000 đơn vị. Theo Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, người tiêm vaccine Covid-19 có thể đăng ký hiến máu sau tiêm 7 ngày. Với người mắc Covid-19 đã chữa trị khỏi, sau 28 ngày có thể hiến máu nhân đạo. |
Trước tình trạng khan hiếm máu cấp cứu, điều trị, UBND TPHCM đã phát động hiến máu nhân đạo. Hưởng ứng phát động, đầu tháng 8 vừa qua, lãnh đạo thành phố và một số sở ban ngành đã tham gia hiến máu cứu người. Với thông điệp “máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”, một số đơn vị cũng đã chủ động hiến máu. Thậm chí, ngày 27-8, hơn 100 y bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 của BV Bạch Mai (đặt tại BV dã chiến số 16, quận 7, TPHCM) đã phải trực tiếp hiến máu để đáp ứng nguồn máu cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 nặng. Tương tự, ngày 1-9, BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng phối hợp với BV Truyền máu - Huyết học TPHCM tổ chức chương trình hiến máu cứu người, kêu gọi người dân và nhân viên y tế trên địa bàn cùng tham gia hiến máu…
Để tạo điều kiện hiến máu tình nguyện, Sở Y tế TPHCM đã bổ sung người hiến máu vào nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Người hiến máu được đăng ký lịch hiến thông qua đường dây nóng hoặc đăng ký trực tuyến. Các đơn vị tiếp nhận sẽ xếp lịch hẹn, cấp mã QR, tin nhắn xác nhận nhằm thuận tiện cho người dân tới địa điểm hiến máu. Tuy nhiên, thực tế lượng máu tiếp nhận vẫn không đáng kể. Do đó, Sở Y tế TPHCM đề nghị đẩy mạnh công tác vận động và tổ chức hiến máu tại các sở ban ngành, khu vực vùng xanh…
Lãnh đạo BV Truyền máu - Huyết học cũng đề nghị chính quyền TP Thủ Đức và các quận huyện quan tâm, duy trì lịch hiến máu tại địa phương với quy mô phù hợp. Mới đây, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM có thư kêu gọi hiến máu trong mùa dịch, với những người không nằm trong khu cách ly, khu phong tỏa và không có các yếu tố cao mắc Covid-19 tham gia hiến máu. Người tham gia hiến máu sẽ đăng ký trực tuyến qua đường link dk.hienmaunhandao.org.vn hoặc giotmauvang.org.vn. Sau khi đăng ký thành công, người hiến máu sẽ có mã QR xác nhận từ trung tâm để thuận tiện lưu thông trong thời gian giãn cách.
Triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng thiếu máu do dịch Theo Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, hiện mỗi năm cả nước cần khoảng 2 triệu đơn vị máu để phục vụ điều trị người bệnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong năm 2020 cả nước chỉ tiếp nhận hơn 1,4 triệu đơn vị máu. 6 tháng đầu năm 2021, cả nước tiếp nhận khoảng 766.000 đơn vị máu. Để khắc phục tình trạng thiếu máu, hiện nay nhiều biện pháp đang được viện thực hiện để đảm bảo nguồn máu như triển khai tiếp nhận máu tại các tỉnh chưa áp dụng Chỉ thị 16. Để hỗ trợ TPHCM khắc phục tình trạng khan hiếm máu điều trị do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện chủ đề “Thái Nguyên sẻ giọt máu đào - Trao tặng đồng bào miền Nam” trong 2 ngày 8 và 9-9 với sự tham gia của hơn 1.000 người, kêu gọi người dân tham gia hiến máu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của hành động hiến máu tình nguyện. |