Nhiều lo toan
“Nhà gái yêu cầu tiền nạp tài thách cưới cao quá. Vợ sắp cưới có thủ thỉ tại ba má muốn nở mày nở mặt với cả dòng họ, với chòm xóm xung quanh. Ừ thì mình cũng ráng lo hết chớ sao giờ. Từ khi quyết định cưới tới lúc này, mọi thứ mình đều lo chung hết. Từ chi phí đặt cọc nhà hàng, album cưới, váy cưới, mua trang sức… Cô ấy mới ra trường thôi, chưa có việc làm ổn định nên mình lo hết là hợp lý thôi. Chỉ có điều, chuẩn bị cưới, lo hàng trăm thứ, mình mới thấy để có được một đám cưới tươm tất không hề dễ dàng”, anh Nguyễn Đức Minh (30 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) tâm sự khi nói về đám cưới sắp tới.
Anh kể, phải làm lễ 3 nơi, nhà gái ở Quy Nhơn, nhà trai ở An Giang và cả lễ ở TPHCM. Ở quê anh toàn là khách của ba má, đã đặt 40 bàn. Còn ở quê vợ sắp cưới, ba má vợ thông tin hơn 60 bàn.
“Ở quê ba má lo cho rồi đó. Còn ở thành phố, mình tự lo từ A đến Z. Bạn bè hai đứa mình khá đông, riêng mình làm công việc kinh doanh, mối quan hệ xã hội nhiều nên mời tới hơn 700 khách. Hổm rày đã đặt chừng 60 bàn tại một nhà hàng ở quận 3. Mình đặt cọc hơn 100 triệu đồng, tính tới hôm làm lễ xong, kiểm tra bì thư rồi trả nhà hàng luôn. Không phải kinh doanh đám cưới gì đâu nhưng phải tính toán kỹ lắm, cân nhắc đủ đường nên mời ai, không nên mời ai, rồi dự trù bao nhiêu bàn. Bởi chỉ cần dư 10 bàn là tụi mình đủ sập nguồn…”, anh Minh kể.
Ấy vậy mà, mọi việc chuẩn bị tới 90% thì dịch Covid-19 nóng trở lại khiến cả tuần qua anh Minh và vợ sắp cưới như ngồi trên đống lửa. Anh bần thần nói: “Nhà hàng không cho hủy, cũng không cho lấy lại tiền cọc… bảo đợi coi tình hình. Họ chỉ cho dời ngày. Thiệp cũng đã phát, phải gọi điện nhắn tin từng người thông báo hoãn. Lo mất ăn mất ngủ!”.
Cũng như anh Minh, anh Hoàng Văn Định (34 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM) và vợ sắp cưới là chị Thùy Vân (29 tuổi) cũng lo sốt vó chuyện đám cưới phải hoãn khi thông tin dịch bệnh đang nóng. Anh Định bảo: “Mấy hôm nay mọi người cứ hỏi về đám cưới, thật sự mình lo nhiều. Chúng mình dự tính làm đám cưới ở 2 nơi, lịch trình đã lên sẵn rồi nhưng nếu “xui xẻo” vì dịch bắt buộc hoãn thì phải chịu. Điều quan trọng nhất không phải cho xong chuyện cá nhân mình mà là bình an và sức khỏe của mọi người”.
Anh Định và chị Vân chỉ là dân văn phòng, thu nhập không phải quá cao nên chuyện cưới xin, cả hai tính toán rất kỹ. Gia đình làm nông, nhưng chị Vân vẫn cố gắng sắm sửa chút đỉnh của hồi môn, đưa cho má trao trong ngày cưới. Còn anh Định cũng ráng “cày” để lo đám tiệc, mua sắm trang sức tặng vợ, dù không nhiều.
Chỉ cần một nửa biết cảm thông
“Chị thấy hồi này người ta có dịch vụ cho thuê trang sức, thuê vàng đám cưới đó hai đứa. Nếu tụi bây không ngại, thấu hiểu cho nhau thì thuê dịch vụ này cũng được, không tốn quá nhiều chi phí đâu. Chứ giờ lo đủ thứ việc, lại bỏ ra cả đống tiền để mua vàng chỉ để đeo hôm cưới, rồi sau đó bán hụt giá thì thấy không cần thiết”. Hôm bàn chuyện đám cưới và mua đồ trang sức sao cho hợp lý, chị bà con thân thiết khuyên anh Định và chị Vân như vậy. Biết là thuê dịch vụ này để trao cho đẹp, cho sang trong ngày cưới, cho ba má lấy tiếng với bà con, nhưng chị Vân từ chối.
“Tụi em sắm 2 chiếc nhẫn cưới đủ rồi. Với cũng đã chuẩn bị một ít trang sức đưa ba má trao. Không nhiều đâu nhưng tụi em thấy vậy là đủ. Mình lấy nhau về là vì yêu nhau, muốn cùng nhau cố gắng. Giàu nghèo gì cũng là yêu thương mình chọn lựa. Quan trọng cả hai biết chia sẻ, không để tâm những điều phù phiếm. Đám cưới mà quá hình thức, coi trọng sĩ diện dễ biến thành gánh nặng cho hai phía, cho cả ba mẹ”, chị Vân chia sẻ.
Anh Định cũng cho rằng mình và vợ sắp cưới đã và đang trải qua nhiều dông bão, cùng đi chung trên một con đường đã chọn thì việc lo đồ trang sức, tiền nạp tài hay thậm chí trì hoãn đám cưới do dịch bệnh cũng không ảnh hưởng nhiều. Anh còn giỡn với bạn bè trên Facebook, nếu có dời ngày cưới, mọi người có thể gửi tiền mừng qua số tài khoản, đọc mà ai cũng cảm thông cho đôi trẻ. Anh Định cho biết sẽ tổ chức tiệc cưới quy mô gọn, chỉ mời bạn bè thân thiết, họ hàng, cắt giảm đi những lễ nghi phiền hà, tốn kém.
Đã 5 năm sau đám cưới giản dị do cả hai vợ chồng chạy vạy lo liệu từ nhẫn cưới, vàng mừng cưới, album ảnh, đám tiệc…, chị Nguyễn Mỹ Uyên (38 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) vẫn nhớ như in. “Hồi đó vợ chồng mình gom đám hỏi và đám cưới vào 2 ngày liền nhau, tận dụng phông rạp, bàn ghế, đỡ thuê 2 lần. Khách chỉ mời người thân thiết chứ không mời đại trà, người ta ngại mà mình cũng ngại. Nhẫn cưới không mua loại đắt tiền vì chỉ để làm kỷ niệm. Tuy rằng không được rình rang nhưng mình thấy may mắn vì vợ chồng luôn có sự bàn bạc, tôn trọng ý kiến đối phương để cùng tìm ra giải pháp tối ưu”, chị Uyên nhớ lại. Chị nói, có người quen thân thấy ái ngại cho cái đám cưới giản đơn, nhưng vợ chồng chị lại rất thoải mái.
Chị Uyên chia sẻ: “Vì đã cùng nhau bước qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời nên vợ chồng mình có sự thấu hiểu sâu sắc. Đám cưới rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là những ngày sau đó. Sau cưới, bắt đầu tự lập từ hai bàn tay trắng, tiền bạc thiếu trước hụt sau nhưng cuộc sống của vợ chồng mình, ngoài tình yêu còn luôn có sự cảm thông”.
Đám cưới là một sự kiện trọng đại của đời người. Và sau kết hôn, thực tế sống chung mới là những ngày thử thách. Từ đám cưới đến sống chung, mọi vấn đề, mâu thuẫn đều có thể giải quyết, hạnh phúc cũng sẽ vững bền nếu cả hai có sự sẻ chia, cảm thông
và bao dung.