PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng?
Ông KHUẤT VIỆT HÙNG: Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường. Kinh tế phục hồi và phát triển, tốc độ trong mọi hoạt động xã hội sẽ gia tăng. Trong bối cảnh đó, TNGT liên quan đến xe kinh doanh vận tải xuất hiện trở lại, nhưng nếu so sánh với năm 2019, TNGT vẫn đang ở mức kiểm soát được. Số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương giảm so với năm trước. Tuy nhiên, một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong những ngày vừa qua là vấn đề cần quan tâm. Qua đánh giá ban đầu, các vụ TNGT này chủ yếu có nguyên nhân thuộc ý thức người điều khiển hoặc người chủ phương tiện.
Trong một số vụ TNGT gần đây, nhiều vi phạm của phương tiện đã được xác định nhờ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) như chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình.
Theo Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, thiết bị GSHT của xe phải lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Các sở GTVT địa phương sẽ được cấp tài khoản và mã đăng nhập vào kho dữ liệu này để theo dõi hoạt động của các phương tiện, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm trong thời gian thực hoặc trích xuất dữ liệu để xử lý theo từng tháng.
Phải công bằng mà nói rằng, trước khi áp dụng thiết bị GSHT, ngày nào cũng phải có vài ba vụ tai nạn liên quan đến xe kinh doanh vận tải vi phạm về tốc độ. Trước đây, nếu tính bình quân trên 1.000km xe chạy có trên 10 lần vi phạm, thì nay chỉ còn 0,92 lần vi phạm. Rõ ràng, số lượng vi phạm, số vụ tai nạn đã giảm đi.
Về chức năng cảnh báo, vì số phương tiện hoạt động trên đường rất lớn, trước hết trách nhiệm thuộc về các doanh nghiệp vận tải, sau đó là sở GTVT các tỉnh. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt kiểm soát phương tiện qua thiết bị GSHT, các sở GTVT cũng đã xử lý hàng ngàn vụ vi phạm về tốc độ, về hành trình thông qua thiết bị GSHT. Tuy nhiên, việc kiểm soát xử lý có thể chưa triệt để. Nếu có thông tin cụ thể hơn về việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi tổng hợp vi phạm mà các địa phương không xử lý đúng quy định, chúng tôi sẽ có ý kiến.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống xã hội đang phục hồi, kéo theo nguy cơ TNGT gia tăng. Ông có thể cho biết Ủy ban ATGT quốc gia có giải pháp gì ứng phó với nguy cơ này?
Ủy ban ATGT quốc gia, các đơn vị thành viên như Bộ GTVT, Bộ Công an, ban ATGT các địa phương sẽ có những giải pháp rất quyết liệt để thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đảm bảo ATGT. Lần này các lực lượng chức năng sẽ làm mạnh, làm đến tận gốc, chỉ đạo đến công an cấp xã để triển khai. Bắt đầu từ 20-6, Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) và cảnh sát giao thông các địa phương trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai đợt cao điểm trong 3 tháng kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ...
Đợt cao điểm này nhằm thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia và căn cứ vào tình hình thực tiễn, yêu cầu thiết lập lại trật tự ATGT trong tình hình mới. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra xử lý trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, điểm đen thường xảy ra tai nạn, nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.