Liên quan đến chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7 tới đây, quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương Nguyễn Bích Thu (Bộ Nội vụ) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, quy định rất rõ các nhiệm vụ, nội dung cụ thể và phân công, phân nhiệm cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Bộ Nội vụ được phân công là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Nhà nước, nên sẽ chủ trì xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị các nội dung cụ thể về chế độ tiền lương mới; các tác động khi cải cách chính sách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các trợ cấp xã hội. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; sau đó, các năm sau cũng phải xây dựng nghị định điều chỉnh chế độ tiền lương. Bộ cũng phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm để triển khai chế độ tiền lương mới. Bộ Nội vụ sẽ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị trình cho các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản. Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quốc hội sẽ có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán Nhà nước. Bên Đảng sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời sẽ có trên 10 thông tư để hướng dẫn triển khai.
Tại họp báo, về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%. Đây là một con số rất cao so với cùng kỳ, rất đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Giải ngân vốn FDI cũng tích cực, tăng 9,8% (tương đương với 2,8 tỷ USD), cho thấy các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là cụ thể.
Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là tỷ lệ về vốn mới và dự án mới cao, đây tín hiệu tốt, kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2024 cũng như năm 2025.
Về các giải pháp đột phá để Việt Nam có thể thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư lớn, Thủ tướng đã chỉ đạo và đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành. Bộ KH-ĐT ý thức được trách nhiệm trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, dự án lớn trong các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, nhất là KHCN, đổi mới sáng tạo, chíp bán dẫn cũng như các ngành công nghiệp mới.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam quan tâm đến 3 lĩnh vực: hạ tầng và đất đai; các giải pháp đột phá là nguồn nhân lực; các đột phá thể chế. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi và các luật khác; các quy định về xuất nhập cảnh hay các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư. Chúng ta cũng phấn đấu đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chip bán dẫn, trong đó có 50.000 riêng cho lĩnh vực chip bán dẫn.
Hiện nay tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận ở mức khá thấp, thậm chí là âm, đặc biệt ở nhiều ngân hàng lớn. Trả lời về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã xác định mức tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, cụ thể mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15% năm 2024. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giao hết các chỉ tiêu tín dụng cho từng tổ chức tín dụng vào ngày 31-12 để các tổ chức tín dụng chủ động về tăng trưởng tín dụng. Thực tế qua 2 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm, dù thanh khoản dồi dào.
Về phía người cho vay, thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tăng của tháng 3, quý I và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế”, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết.
Về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đẩy nhanh nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ đang khai thác được phân kỳ đầu tư hai làn xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện các bộ, ngành, địa phương đang triển khai. Bộ GTVT sẽ tập hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.
Cụ thể, hiện nay có 5 tuyến cao tốc đang khai thác với quy mô 2 làn xe, mở rộng 5 tuyến này là ưu tiên số một, được ưu tiên đầu tư trước; các tuyến 4 làn xe thì sẽ tiếp tục cân đối để mở rộng. Bộ GTVT sẽ tổng hợp, đề xuất phương án đầu tư để cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn.