Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, vấn đề giám sát quản lý sử dụng nợ công luôn được Ủy ban quan tâm. Hàng năm, Ủy ban đã triển khai các hoạt động giám sát về ngân sách Nhà nước, giám sát hiệu quả của các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu.
Hiện nay, Ủy ban đang triển khai giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” để đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài, đặc biệt là hiệu quả của nguồn vốn vay nước ngoài, kiểm soát chặt chẽ nợ công và đánh giá khả năng trả nợ.
“Kết quả giám sát sẽ được tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8-2018. Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn tới”, cơ quan được phân công chủ trì giám sát cho biết.
Vẫn theo Báo cáo nêu trên, phản hồi kiến nghị của cử tri các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… về bội chi ngân sách nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan, Ủy ban Tài chính – Ngân sách xác nhận, đúng như ý kiến cử tri, việc giám sát tình hình nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước cần được tăng cường để góp phần giữ vững kỷ luật tài chính, an ninh tài chính quốc gia trong điều kiện nợ công hiện đang ở mức cao, gần đạt mức trần.
Tiếp thu ý kiến cử tri, trong kế hoạch giám sát thường niên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ tăng cường thực hiện công tác giám sát tình hình nợ công và bội chi theo đúng Nghị quyết đã được Quốc hội quyết định. Ủy ban cũng đang nghiên cứu tiếp tục tham mưu cho Quốc hội siết chặt bội chi từ năm 2017 đến cuối năm 2020, năm sau thấp hơn năm trước, tính đến năm 2020 tỷ lệ bội chi đạt mức 3,9% GDP.