Hiện nay, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đang xem xét phương án cho học sinh - sinh viên (HS-SV) quay trở lại trường học vào đầu tháng 3. Để chuẩn bị cho việc HS-SV quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có buổi làm việc với Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng) về việc xây dựng quy trình hướng dẫn kiểm soát, phòng, chống Covid-19 trong trường học.
GS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, cuốn cẩm nang “100 câu hỏi - đáp về Covid-19” đã được Cục Quân Y - Học viện Quân Y xây dựng và phát hành. Đây là một cẩm nang thường thức về dịch bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng, giúp cho cộng đồng có thêm hiểu biết đầy đủ hơn về dịch bệnh này, từ đó thực hiện đúng và tuân thủ tốt hơn các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Hiện cuốn “100 câu hỏi - đáp về Covid-19” đã được phát hành 10.000 bản giấy và phát hành online đến rất nhiều địa chỉ trên cả nước, có thể trở thành tài liệu tham khảo và ứng dụng rộng rãi, trong đó có các cơ sở giáo dục, hỗ trợ HS-SV, giáo viên phòng, chống, ứng phó với Covid-19.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét sử dụng thông tin trong cuốn cẩm nang này để xây dựng quy trình hướng dẫn, kiểm soát dịch bệnh trong nhà trường.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, sau một thời gian tạm nghỉ, học sinh sẽ quay trở lại trường học, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để đưa học sinh trở lại là trường học phải an toàn với quy trình kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh rõ ràng và nghiêm ngặt. Do đó, việc hướng dẫn học sinh, giáo viên quy trình vệ sinh, bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng là rất cần thiết, không chỉ trong giai đoạn có dịch bệnh mà phải trở thành hoạt động thường xuyên.
Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Học viện Quân Y, tham khảo ý kiến của Bộ Y tế để hoàn thiện quy trình kiểm soát, phòng, chống Covid-19 trong trường học, tạo sự yên tâm cho phụ huynh và xã hội trước khi học sinh trở lại trường.
Liên quan đến kiến nghị của TPHCM cho HS-SV, học viên các cơ sở giáo dục được tạm nghỉ học đến hết tháng 3-2020 nhằm phòng tránh Covid-19, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm, trước hết, cần phải thực hiện nghiêm các chỉ thị của Trung ương, bảo đảm điều kiện an toàn về sức khỏe cho người học, thầy cô giáo; theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh từ Ban Chỉ đạo Quốc gia, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế đưa ra để quyết định có cho HS-SV tiếp tục nghỉ học nữa hay không.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc cho học sinh nghỉ học nhiều hơn, kéo dài kéo theo khá nhiều bất lợi, xáo trộn trong kế hoạch thời gian năm học. Thời gian kết thúc năm học muộn hơn đồng nghĩa thời điểm tổ chức các kỳ thi, trong đó có Kỳ thi THPT Quốc gia; việc hoàn thành chương trình, đáp ứng yêu cầu các kỳ thi chuyển cấp cũng sẽ có những khó khăn.
Đối với vấn đề lùi kế hoạch thời gian năm học, theo ông Nguyễn Xuân Thành, khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018 trong toàn quốc có quy định một số mốc thời gian. Đơn cử như kết thúc năm học trước ngày 31-5 hằng năm; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15-6 hằng năm; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31-7 hằng năm. Do học sinh nghỉ học tránh dịch bệnh nên mốc thời gian kết thúc năm học có thể lùi lại từ 2 - 3 tuần. Với khung thời gian được nới rộng thêm, các địa phương, nhà trường căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch giáo dục, đảm bảo yêu cầu của chương trình. Như vậy, nếu học sinh chỉ nghỉ hết tháng 2, các kỳ thi chuyển cấp trong khung thời gian trên vẫn đáp ứng được.
Riêng với kỳ thi THPT Quốc gia, hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa ấn định thời gian; Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản riêng để hướng dẫn cụ thể, bảo đảm học sinh có thời gian hoàn thành chương trình và ôn tập.
Với đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung rằng Bộ GD-ĐT nên tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác thực hiện - có thể nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết một tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại kéo dài 2 tuần, thời gian này đảm bảo kích thích tiêu dùng, phân luồng giao thông…, PGS-TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, các quốc gia có điều kiện xã hội, văn hóa, thời tiết khác nhau, bởi vậy việc thay đổi kỳ nghỉ trong năm của học sinh hay không, thay đổi như thế nào cần cân nhắc, tính toán cẩn trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.