Sáng 17-6, tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) (gọi tắt là dự án).
Trước đó, ngày 4-5, Chính phủ đã có Tờ trình số 215/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra số 2792/BC-UBKT15 của Ủy ban Kinh tế và 117 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) tại phiên thảo luận ở tổ về dự án, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội nội dung tiếp thu, giải trình.
Cụ thể, Chính phủ khẳng định, việc triển khai đầu tư dự án phù hợp với quy hoạch vùng cũng như quy hoạch tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về phạm vi đầu tư và hướng tuyến của dự án, Chính phủ nêu rõ, chiều dài của dự án (128,8km) ngắn hơn khoảng 11,2km so với chiều dài dự kiến theo quy hoạch (140km) chủ yếu do việc lựa chọn điểm đầu của dự án (kết nối tại phía Bắc thay vì kết nối tại phía Nam TP Gia Nghĩa) theo đề nghị của tỉnh Đắk Nông. Việc lựa chọn nêu trên bảo đảm phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sẽ được cập nhật).
Đặc biệt, Chính phủ nêu rõ, theo kết quả khảo sát, rà soát của tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước, khu vực dự án đi qua về cơ bản không ảnh hưởng đến các công trình di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia…
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các ĐB, trong bước triển khai tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND tỉnh Đắk Nông và Bình Phước khảo sát kỹ hướng tuyến bảo đảm không ảnh hưởng đến các công trình di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia… Đồng thời hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường - xã hội, trong đó yêu cầu đánh giá kỹ tác động của dự án đến văn hóa, xã hội (phong tục, tập quán, tín ngưỡng) đối với khu vực dân tộc thiểu số có dự án đi qua.
Về phương thức đầu tư, giải tỏa một số ý kiến lo ngại về khả năng thu hút nhà đầu tư tham gia dự án này, Chính phủ khẳng định, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 12.770 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư dự án) thì dự án đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư dự án theo các cơ chế mới của Luật PPP, đặc biệt là việc áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cũng như ngân hàng cung cấp tín dụng so với 3 dự án PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã triển khai. Đồng thời, ngoài việc huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, Luật PPP đã cho phép nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án có thể huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác (như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác đầu tư...) để triển khai đầu tư dự án.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thận trọng nhìn nhận, việc thu hút đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào thị trường (đặc biệt là thị trường vốn) và tiềm năng tài chính của nhà đầu tư… Do đó, trường hợp triển khai theo phương thức PPP không thành công, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp) để điều chỉnh chủ trương sang đầu tư công. Theo hình thức đầu tư này, sau khi công trình hoàn thành sẽ nhượng quyền kinh doanh - khai thác để thu hồi vốn.