Nâng cao được hiệu quả đồng vốn nhà nước có vai trò không nhỏ của người đại diện, song bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại chưa được khắc phục, nhất là trong vấn đề cổ tức. Trên thực tế, vẫn còn một số doanh nghiệp khi chốt và trả cổ tức chỉ ưu tiên cho cổ đông là cá nhân/người lao động, cổ đông khác, không trả ngay cho cổ đông nhà nước.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC, sau hơn 10 năm hoạt động, tính đến ngày 31-8, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.047 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là hơn 11.638 tỷ đồng. Sau khi bán vốn nhà nước và chuyển giao lại một số doanh nghiệp công ích cho địa phương, danh mục đầu tư của SCIC còn lại hiện nay gồm 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.367 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 82.838 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, ý kiến của doanh nghiệp muốn SCIC giữ vốn lâu dài tại doanh nghiệp để người đại diện, người lao động yên tâm nhưng SCIC cũng phải chấp hành chủ trương của Chính phủ trong việc thoái vốn nhưng ngành nghề không cần nắm giữ.
Về kiến nghị chọn đối tác của Dược Hậu Giang, ông Chi cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp, kiến nghị như vậy là đúng nhưng để SCIC làm được như kiến nghị thì phải sửa quy định hiện hành là SCIC “được lựa chọn, chỉ định bán cho ai thì mới làm được”.
Cũng theo ông Chi, để không ảnh hưởng người đại diện khi SCIC thoái vốn thì chuyện người đại diện vốn nên trở thành một nghề chuyên nghiệp, để có thể khi Nhà nước thoái vốn thì có thể đại diện vốn cho các cá nhân, tổ chức khác.
Bên cạnh những điểm tích cực, theo ông Lê Văn Thành, người đại diện vốn tại Công ty cổ phần Bảo Minh, hoạt động của người đại diện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như có tình trạng người đại diện chưa hợp tác tốt với SCIC, không triển khai kịp thời các ý kiến của SCIC, không xin ý kiến hoặc cổ tính biểu quyết khác với ý kiến của SCIC; một số doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm, nhiều tồn tại tài chính, dẫn tới doanh nghiệp có khả năng không hoạt động liên tục (tính đến 31-8 còn 21 doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội cổ đông)…
Trong 6 tháng đầu năm, số nợ cổ tức đã thu được là 2.682 tỷ đồng, trong đó có 1.505 tỷ đồng cổ tức phát sinh trước ngày 31-12-2017 – chiếm 98% công nợ cổ tức trước ngày 31-12-2017. Số công nợ còn lại chủ yếu là công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng từ các năm 2010 trở về trước của các doanh nghiệp đã thoái. Tính đến ngày 31-8, số nợ cổ tức SCIC phải thu của các doanh nghiệp còn 42,7 tỷ đồng tại 71 doanh nghiệp. Tuy số nợ giảm so với các năm trước nhưng có nhiều khoản nợ tồn đọng lâu ngày.
Cũng theo ông Thành, vẫn còn một số doanh nghiệp khi chốt và trả cổ tức chỉ ưu tiên cho cổ đông là cá nhân/người lao động, cổ đông khác, không trả ngay cho cổ đông nhà nước; một số doanh nghiệp còn giữ lại một phần cổ tức, chưa chi trả cho cổ đông với lý do để tái đầu tư nhưng chưa giải trình đầy đủ và thuyết phục; một số doanh nghiệp còn chây ỳ, không thanh toán/không xác nhận công nợ… làm chậm tiến độ bán vốn tại các doanh nghiệp nhưng người đại diện không quan tâm, đôn đốc, thu hồi nợ, đối chiếu công nợ.
Trong số 139 doanh nghiệp còn lại nắm giữ, SCIC chia thành các nhóm. Nhóm A1 gồm 23 doanh nghiệp SCIC chủ động giữ lại để đầu tư dài hạn (chiếm 65,4% tỷ trọng vốn nhà nước); nhóm A2 gồm 9 doanh nghiệp SCIC nắm giữ 100% vốn/có cổ phần, vốn góp chi phối hoặc cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chiếm 1,1% tỷ trọng vốn nhà nước); nhóm B1 gồm 34 doanh nghiệp cần cơ cấu lại để nâng cao giá trị vốn đầu tư trước khi bán hết vốn (24,6% tỷ trọng vốn nhà nước); và nhóm B2 gồm 73 doanh nghiệp cần phải triển khai bán hết vốn ngay (8,9% tỷ trọng vốn nhà nước). |