Tính đến ngày 31-3-2021, quy mô tài sản của SCB đạt 660.580 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, duy trì vị thế Top 5 trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam và là ngân hàng TMCP tư nhân có tổng tài sản lớn nhất. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 351.386 tỷ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ năm trước. SCB vẫn kiểm soát tốt chất lượng tín dụng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tại thời điểm cuối Quý I năm 2021 lần lượt là 1,10% và 0,79%. Bên cạnh đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt 598.458 tỷ đồng, tăng 19,7% so với Quý I năm 2020.
Triển vọng tích cực trong hoạt động kinh doanh
Hiện tại, SCB thuộc Top 3 ngân hàng TMCP có tốc độ phát triển mảng Bancassurance trên thị trường. Với xu hướng phát triển của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, SCB có thể tận dụng vị thế và tiềm năng có sẵn của mình để mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm và liên kết với nhiều đối tác hơn nữa. Nhờ thế mạnh trong mảng Bancassurance nói riêng cũng như nỗ lực trong việc kinh doanh và phát triển hoạt động dịch vụ nói chung, tính đến hết Quý I năm 2021, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB đạt gần 420 tỷ đồng, tương đương 23,7% tổng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2020, ghi nhận mức tăng 155,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng đạt kết quả tốt, đạt 419 tỷ đồng, tăng 157,8% và tương đương gần 60% tổng thu nhập của mảng này trong năm 2020, đóng góp phần lớn vào cấu phần thu nhập của ngân hàng. Khởi đầu năm 2021 với nhiều thuận lợi, lợi nhuận trước thuế của SCB Quý I năm 2021 đạt 266,82 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ.
Hợp tác chiến lược, tăng tốc bứt phá
Tháng 1-2021, SCB chính thức hợp tác với Công ty Digital Wallet Corporation - một trong các công ty hoạt động kiều hối mạnh nhất tại Nhật Bản. Với thế mạnh về công nghệ, Công ty Digital Wallet đã phát triển các dịch vụ chuyển tiền dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, trong đó nổi tiếng với “Smiles” - ứng dụng chuyển tiền di động cho phép chuyển tiền từ Nhật đến hơn 147 quốc gia, trong đó có Việt Nam với hơn 287 ngàn điểm giao dịch trên toàn cầu.
Tiếp tục trong tháng 2-2021, SCB đã ký kết hợp tác chiến lược với Đại diện Ngân hàng Kiraboshi tại Việt Nam - Kiraboshi Business Consulting Vietnam. Việc hợp tác toàn diện của hai bên sẽ phát triển thành một liên minh hợp tác lớn mạnh trong tương lai, hỗ trợ đa dạng các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam. Trong năm nay, hai bên sẽ không ngừng mở rộng phạm vi hợp tác, từ phục vụ khách hàng tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sang phục vụ các khách hàng doanh nghiệp của các quốc gia khác. Đồng thời sẽ cùng phối hợp xây dựng các giải pháp tài chính toàn diện và phù hợp cho từng khách hàng, cũng như cho từng hệ sinh thái khách hàng của cả hai.
Vừa qua, SCB đã công bố về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu SCB ra công chúng. Theo đó, SCB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030; trong đó, riêng năm 2020-2021 tăng thêm 5.000 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng trong năm 2020-2021, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phần (tương ứng với 5.000 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu. Trên cơ sở tổng vốn điều lệ tăng thêm, SCB sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các Chi nhánh phù hợp với định hướng kế hoạch hàng năm để đáp ứng yêu cầu về nền tảng phát triển của SCB.
Triển vọng kinh tế Việt Nam hậu Covid-19 khá khởi sắc so với nhiều quốc gia trên thế giới; và việc dự kiến môi trường chính sách trong năm 2021 tiếp tục trong trạng thái nới lỏng đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam nói chung và SCB nói riêng. Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Việc kiểm soát dịch khá tốt trong suốt thời gian qua đã tạo cơ hội cho ngành gia công của Việt Nam với xu hướng dịch chuyển nhà máy từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến sức khỏe hơn, tạo điều kiện để các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phát triển. Trong bối cảnh đó, SCB có thể phát huy tối đa tiềm lực cũng như khẳng định những giá trị nền tảng vững vàng đã được xây dựng qua giai đoạn chuyển đổi 2010-2020.
Hiện nay, SCB đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và lợi nhuận tích cực. Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội và khai thác tốt nội lực để phát triển kinh doanh, SCB đã có những cải cách sâu rộng về cơ cấu tổ chức, quản trị, quản lý rủi ro, nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng thương hiệu, tạo tiền đề để SCB tiếp tục bứt phá và phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.