Trong phạm vi Dự án này, KPMG sẽ thực hiện đánh giá chênh lệch giữa thực tế quản lý rủi ro tại SCB và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng như với yêu cầu của chuẩn mực Basel II. Căn cứ kết quả đánh giá, đối tác KPMG sẽ đề xuất lộ trình triển khai các đầu mục công việc/dự án quản lý rủi ro tiếp theo trong thời gian tới.
Trong năm 2022, một trong những ưu tiên hàng đầu của SCB là chú trọng vào công tác quản lý rủi ro hướng đến mục tiêu tuân thủ quy định của NHNN và quản lý rủi ro hiệu quả theo tiêu chuẩn Basel II. Vì vậy, Dự án Basel GAP đóng vai trò chủ chốt và quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cấp khung quản lý rủi ro tại SCB, làm tiền đề củng cố lợi thế chiến lược về quản trị vốn, giúp gia tăng uy tín trên thị trường và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông.
Cơ sở dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất khi triển khai Basel II, ý thức được vấn đề này, SCB tiếp tục đầu tư hệ thống kho dữ liệu hiện đại, chính xác, có tính lịch sử, và được cập nhật thường xuyên.
Bên cạnh những chuẩn bị về hạ tầng cơ sở, SCB đồng thời tập trung thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhằm đảm bảo sự ổn định, kế thừa và xuyên suốt trong quá trình triển khai Dự án Basel GAP.
Trong quá trình hoạt động của mình, SCB luôn tăng cường và tập trung vào công tác nâng cao năng lực quản lý rủi ro ở tất cả các cấp bậc và đơn vị nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, SCB đã đạt được các thành tựu nổi bật như: Hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo mô hình ba tuyến bảo vệ độc lập, đảm bảo hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro được thực hiện hiệu quả; hoàn thiện khung chính sách quản lý rủi ro, bao gồm các chiến lược quản lý 06 rủi ro trọng yếu theo quy định của NHNN; triển khai thực hiện hạn mức rủi ro cũng như nhận diện, đo lường, theo dõi và kiểm soát đối với từng loại rủi ro trọng yếu; hoàn thành hệ thống Tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của NHNN; triển khai dự án Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) và dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.
Đồng thời SCB đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình khác hướng đến mục tiêu củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro theo thông lệ tiên tiến (dự án xây dựng hệ thống khởi tạo khoản vay LOS, nâng cấp hệ thống PCRT đáp ứng chuẩn SWIFT 7.5, xây dựng ứng dụng ghi nhận lỗi tuân thủ…).
Dự án Basel GAP sẽ tiếp tục thể hiện tính chủ động và quyết tâm của hệ thống SCB trong việc tuân thủ các quy định mới của NHNN và áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam. Đây sẽ là một nền tảng quan trọng để hoạt động kinh doanh của SCB an toàn hơn và hiệu quả hơn; đồng thời sẽ mang đến cho Ngân hàng nhiều lợi ích thiết thực, giúp SCB có những điều chỉnh phù hợp về mặt chiến lược, giúp quản trị kế hoạch vốn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Ngân hàng và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh một cách toàn diện.