Tại hội nghị, ý kiến các địa phương đều khẳng định đến nay, về cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang rất khẩn trương, gấp rút hoàn tất.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất. Vừa qua xảy ra vụ tấn công trên địa bàn, đến nay, tình hình đã ổn định, tất cả công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi được công an tỉnh xây dựng cụ thể.
Ngoài ra, BCĐ thi cấp tỉnh còn tham mưu thành lập BCĐ thi cấp huyện và UBND các huyện, thành phố cũng xây dựng kế hoạch rất cụ thể để phối hợp với BCĐ thi cấp tỉnh, ngành giáo dục để tổ chức kỳ thi một cách an toàn, nghiêm túc. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an toàn, an ninh cho kỳ thi được Đắk Lắk được đặt lên hàng đầu, công an tỉnh đã phối hợp kỹ lưỡng vấn đề này.
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị đề nghị Bộ GD-ĐT, BCĐ quốc gia, ngành công an quan tâm, hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk an ninh, an toàn của kỳ thi này.
Thí sinh cả nước sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa |
Theo Bộ GD-ĐT, bộ đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị tăng cường công tác an ninh cho kỳ thi, gửi danh sách các điểm thi trên địa bàn để Bộ Công an chủ động tăng cường thêm lực lượng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm nay TPHCM có 85.425 thí sinh dự thi, với 156 điểm thi, quy mô tương đương kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua; thi lớp 10 có 96.000 thí sinh dự thi, ở 158 điểm thi. TPHCM cũng vận dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT cho kỳ thi vào lớp 10, nên kỳ thi vào 10 cũng coi như một đợt tổng diễn tập cho công tác coi thi để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TPHCM coi kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ chung của cả nước với quy mô hàng triệu thí sinh dự thi, thi còn để xét vào đại học nên tính chất rất quan trọng. Do đó, BCĐ thi TPHCM đã quán triệt trách nhiệm đến từng thành viên BCĐ. Sở GD-ĐT TP cũng đã tham mưu thành lập BCĐ thi thành phố với 45 thành viên, trong đó có lãnh đạo các sở ngành, quận huyện liên quan đến kỳ thi. UBND thành phố cũng đã ban hành chỉ thị về kỳ thi, phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng sở, ban, ngành.
Thí sinh thi tốt nghiệp năm nay bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có thời gian học tập trực tuyến nhiều. Do đó, sở đã chỉ đạo sâu sát việc dạy và học, ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi, sở đã chỉ đạo rà soát các thí sinh còn khó khăn trong việc học tập để tổ chức ôn thi cho các em hết ngày 17-6.
Đến nay, tất cả 156 điểm thi đã được rà soát về điều kiện cơ sở vật chất cũng như bố trí lãnh đạo các điểm thi với hơn 700 cán bộ quản lý các trường làm lãnh đạo điểm thi. TPHCM quán triệt tinh thần tất cả cán bộ coi thi phải nắm chắc quy chế, nhiệm vụ của mình ở từng vị trí, bảo đảm có một kỳ thi an toàn, đúng quy chế.
Về công tác in sao, vận chuyển đề thi, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã báo cáo với Cục Quản lý chất lượng về phương án vận chuyển đề thi, nhận bài. TPHCM được Bộ GD-ĐT cho phép giao đề thi hàng ngày, từ 5 giờ mỗi ngày, nhận bài thi về cuối giờ hàng ngày, không để đề thi và các bài thi ở các điểm thi, điểm chấm.
TPHCM cũng kiến nghị đặc cách miễn thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh bị khuyết tật về trí tuệ, vì các em chỉ cần hoàn thành THPT để tham gia học nghề, hòa nhập cuộc sống. Đó là điều nhân văn với các em, bởi thực tế, thí sinh bị khuyết tật về trí tuệ dự thi là khá áp lực, kết quả không như mong muốn.
Giám đốc Sở GD-ĐT cũng kiến nghị bổ sung thêm thành phần ban in, sao đề, hiện nay số cán bộ in, sao đề rất lớn, tới 60-70 người nhưng số người biết về kỹ thuật máy móc không nhiều, số máy in dự phòng lớn, do đó, đề nghị cho bổ sung 1 cán bộ am hiểu kỹ thuật về máy để xử lý kịp thời nếu có sự cố.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 88.831 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT; 13.264 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên. Hà Nội dự kiến bố trí 189 điểm thi với 4.263 phòng thi; dự kiến điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. Từ việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua (sự cố in mờ đề thi), Hà Nội đã rút kinh nghiệm một số nội dung để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhất là trong khâu in sao đề thi. Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học giúp cho các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kế hoạch các kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.
Cũng theo kiến nghị của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, công văn 2472/BGDĐT-QLCL ngày 5-6-2023 (hướng dẫn bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi (bao gồm cả các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân) phải không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức) còn gây khó khăn trong công tác coi thi.
“Những vật dụng thiết yếu đảm bảo sức khỏe cho thí sinh như máy trợ thính là thiết bị truyền, nhận âm thanh có được phép mang vào phòng thi không? Nếu có thì cách thức kiểm soát như thế nào? Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân được phép mang vào phòng thi”, ông Trần Thế Cương đề xuất.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, đại diện Bộ Công an cho biết, bộ đã triển khai, thực hiện nghiêm túc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn kỳ thi, tránh để xảy ra bất cứ sai sót nào. Để đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối, Bộ Công an tiếp tục tập huấn, lưu ý với cán bộ tại các điểm thi về thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tại các điểm thi, tránh xảy ra những sai sót không đáng có.