Ngày 21-4, Mỹ và Hàn Quốc đồng loạt hoan nghênh và đánh giá tích cực tuyên bố của Triều Tiên về dừng thử hạt nhân, tên lửa và cho rằng đây là một bước tiến bộ đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, quan điểm của Chính phủ Nhật Bản trong vấn đề này có phần thận trọng hơn.
Nhiều ý kiến trái chiều
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi diễn biến mới nhất này là tích cực, nhưng cảnh báo rằng vẫn còn phải xem liệu động thái kể trên có dẫn đến một sự dỡ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định Tokyo sẽ không thay đổi chính sách gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng trong vấn đề này.
Trong khi đó, các chính đảng ở Hàn Quốc đã có phản ứng trái chiều về tuyên bố ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời đóng cửa một bãi thử hạt nhân của Triều Tiên.
Trái với tuyên bố lạc quan của đảng Dân chủ tự do cầm quyền (DP), đảng đối lập chính Hàn Quốc Tự do (LKP) vẫn hoài nghi, cho rằng cam kết của Bình Nhưỡng chưa đáp ứng mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Theo người phát ngôn của LKP Choung Tae-ok, do Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân nên quyết định của nước này ngừng thử hạt nhân không có ý nghĩa gì. Nhiều khả năng quyết định của ông Kim Jong-un là “chiến thuật câu giờ”.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố khi việc trang bị vũ khí hạt nhân đã được thực hiện, Bình Nhưỡng không cần phải tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo nào khác.
Đáng chú ý, tuyên bố của Bình Nhưỡng được đưa ra vào thời điểm chỉ còn chưa đầy một tuần sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Nhận định về tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Giám đốc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng hạt nhân, ông Jon Wolfsthal cho rằng, Triều Tiên thực sự muốn đảm bảo cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra và nếu thất bại thì cũng muốn chứng tỏ rằng họ đã nỗ lực rất nhiều.
Nói về ý nghĩa của việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nhà khoa học chính trị Vipin Narang thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ Massachusetts (MIT) chỉ rõ, việc đóng cửa Punggye-ri không ngăn cản Triều Tiên sử dụng các địa điểm khác.
Ở góc đánh giá khác, chuyên gia David Albright thuộc Viện Khoa học và An ninh quốc tế cho rằng tuyên bố của ông Kim là nhằm mở đường cho Mỹ tìm cách tiếp cận bãi thử này.
Triển vọng kinh tế liên Triều
Cùng ngày, giới quan sát thị trường cho biết việc tuyên bố mới nhất từ phía Triều Tiên sẽ làm giảm bớt những bất ổn liên quan tới rủi ro địa chính trị trong nền kinh tế Hàn Quốc. Quyết định mới của Triều Tiên có thể cải thiện triển vọng xếp hạng của Hàn Quốc bằng cách giảm cái gọi là “rủi ro Triều Tiên”.
Giáo sư kinh tế Kim Jung-sik thuộc Đại học Yonsei nhận định quyết định này có thể tạo cơ hội cho việc giảm bớt tình trạng giá cổ phiếu của Hàn Quốc bị định giá thấp và thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại đây”. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên chuyển trọng tâm quốc gia sang khôi phục nền kinh tế cũng có thể tạo ra những cơ hội lớn về cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp khác có khả năng tham gia vào những dự án chung, trong đó có Khu công nghiệp chung Kaesong bị đóng cửa ở Triều Tiên.
Theo Giáo sư Lim Eul Chul thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, khu công nghiệp chung Kaesong nhiều khả năng sẽ hoạt động trở lại sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Khu công nghiệp chung Kaesong, nằm cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 50km về phía Tây Bắc, đã đóng vai trò là nguồn thu nhập chính của Triều Tiên từ năm 2004. Khu công nghiệp này thu hút hơn 54.000 lao động Triều Tiên trước khi bị đóng cửa vào năm 2016.