Sau “triều đại” Mubarak là ai?

Trước tình hình căng thẳng ở Ai Cập, có thể thấy cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm đến đất nước Bắc Phi này vì có vị trí địa chính trị rất đặc biệt và có ảnh hưởng khá lớn đối với cộng đồng Arập. Không chỉ quan tâm, các cường quốc còn can thiệp gián tiếp vào tình hình nước này.

Một số tờ báo gần đây nhận định, Chính phủ Mỹ đã bảo trợ cho Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại vị vì ông này là đồng minh của Mỹ. Thế nhưng, ngày 9-2, Chính phủ Ai Cập lại lên tiếng tố cáo Washington gây áp lực lên Cairo, đòi thúc đẩy nhanh chóng tiến trình cải cách. Thực hư tình hình hiện nay như thế nào?

Có thể khẳng định chắc chắn Tổng thống Hosni Mubarak là một đồng minh của Mỹ trong thế giới Arập và Ai Cập là nước nhận viện trợ của Mỹ nhiều thứ hai ở Trung Đông, sau Israel. Trong 28 năm cầm quyền, ông Mubarak nhận được sự ủng hộ của Mỹ và đã hỗ trợ các chính sách của Mỹ ở Trung Đông, là một trong những nhân vật được Mỹ tin tưởng để trao nhiệm vụ làm cầu nối giữa Palestine và Isreael. Đó là lý do tại sao đa phần các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine đều diễn ra ở xứ sở Kim tự tháp và đều có các quan chức nước này làm trung gian.

Tuy nhiên, đối với Mỹ có vẻ như ông Mubarak cầm quyền đã quá lâu và nay Ai Cập cần có sự thay đổi. Nhưng thay đổi bằng một cuộc đảo chính đẫm máu dường như không phải là sự lựa chọn của nhiều người. Vì vậy các nhà phân tích chính trị dự báo một cuộc chuyển giao quyền lực êm đềm sẽ là kịch bản tốt nhất.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10-2 đã có cuộc điện đàm tham khảo ý kiến Quốc vương Saudi Arabia Addullah, một đồng minh chủ chốt của Mỹ và cả Ai Cập trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải có một cuộc chuyển giao quyền lực có trật tự, bền vững và đúng theo luật pháp ở Ai Cập.

Câu hỏi bây giờ là chuyển giao như thế nào và chuyển giao cho ai. Báo Spiegel của Đức đưa tin có khả năng Tổng thống Mubarak sẽ đi chữa bệnh dài hạn ở Đức, bởi ông từng đến Đức chữa bệnh trong thời gian qua. Thế còn ai sẽ là người kế nhiệm?

Các nhà phân tích cho biết Mỹ và Ai Cập chắc chắn sẽ chọn một người kế thừa đường lối của ông Mubarak (hợp lòng những người ủng hộ ông Mubarak và quân đội nước này) có cải cách mạnh mẽ theo hướng dân chủ kiểu Mỹ và duy trì chính sách thân Mỹ (phù hợp mong đợi của Mỹ), nhưng đáp ứng được nguyện vọng của những người biểu tình. Một người như thế phải là một nhà chính trị có kinh nghiệm, thông minh và thức thời.

Có một điều chắc chắn rằng cả Ai Cập và Mỹ sẽ không chọn một trong số những người trong hàng ngũ lãnh đạo các cuộc biểu tình trên đường phố trong hơn hai tuần qua.

Vì không ai trong số họ sẵn sàng (về khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm chính trường) để quản lý và điều hành đất nước. Nếu những người chưa sẵn sàng quản lý đất nước, chắc chắn Ai Cập sẽ rơi vào bất ổn, dẫn đến tình trạng vô chính phủ.

Một đất nước đóng vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh trong khu vực rơi vào bất ổn sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn khu vực, nơi đang có một cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử hiện đại giữa Israel và Palestine cũng như luôn tiềm ẩn những nguy cơ khủng hoảng xã hội.

Với những gì đang diễn ra cùng vị trí địa chính trị của Ai Cập, các nhà phân tích dự báo cộng đồng quốc tế sẽ không để xảy ra xung đột đẫm máu và một cuộc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra khá suôn sẻ với nhà lãnh đạo mới kế thừa nền tảng chính trị truyền thống của Ai Cập đồng thời thích nghi với yêu cầu cải cách.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục