Giàu nhờ sầu riêng
Những ngày cuối năm về thăm Krông Pắk - nơi được xem là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Đắk Lắk - không khí tết đã len lỏi vào từng thôn, buôn. Dạo quanh thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk), các siêu thị điện máy, cửa hàng ô tô, xe máy, thời trang... mọc nhan nhản. Dọc theo tuyến quốc lộ 26 dễ dàng nhận thấy nhiều doanh nghiệp chế biến sầu riêng mọc lên, xe tải lớn, xe container ra vào liên tục để chở hàng.
Ngược về các thôn, buôn, những con đường nhánh, đường nhỏ giờ đây cũng đã được bê tông hóa, không còn cảnh lầy lội như xưa; nhà bê tông, cao tầng đua nhau mọc lên khắp nơi. Chúng tôi ghé thăm nhà ông Mai Văn Ân (60 tuổi, trú thị trấn Phước An) khi lão nông này đang loay hoay lau chùi chiếc ô tô mới coóng. Ông Ân tiết lộ, chiếc ô tô hơn 1 tỷ đồng được ông “tậu” về cách đây vài ngày. Đó là thành quả của mùa sầu riêng vừa qua. Nhà chỉ có hơn 1ha sầu riêng nhưng năm qua thu hoạch được gần 20 tấn, trừ hết chi phí, lợi nhuận thu về gần 1 tỷ đồng.
Hơn 100 cây sầu riêng xanh mướt được lão nông này chăm sóc rất bài bản; hệ thống tưới được đầu tư hiện đại, chỉ cần điều khiển trên điện thoại là cả khu vườn được phun mưa. Năm 2008, ông phá bỏ bớt diện tích cà phê, trồng thêm 100 cây sầu riêng với hy vọng cải thiện nguồn thu nhập. Những năm qua, nhờ sầu riêng nên vợ chồng ông có của ăn, của để, lo cho con cái ăn học ở TPHCM.
Nhiều triển vọng
Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xanh Sầu Riêng, phấn khởi: “Ngoài việc đưa sầu riêng đi các địa phương trong nước tiêu thụ, đơn vị vừa xuất khẩu 2 container đảm bảo tiêu chuẩn sang thị trường Trung Quốc. Việc ký kết nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT và Trung Quốc đã mở ra hướng đi đầy triển vọng cho thị trường sầu riêng trong nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng”. Ông Thắng cho biết thêm, với thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc, đầu ra sản phẩm ổn định, bà con sẽ yên tâm hơn trong việc đầu tư loại cây ăn quả này để phát triển kinh tế lâu dài. Sầu riêng đang là cây trồng có hiệu quả, lợi nhuận kinh tế cao giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu. “Đơn vị đang tập trung hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất sản phẩm sạch, đồng thời đầu tư các mô hình chế biến sâu để từng bước phát triển đa dạng các sản phẩm từ sầu riêng”, ông Thắng chia sẻ.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết, toàn huyện có gần 3.800ha sầu riêng; trong đó 2.600ha đã cho thu hoạch. Năm 2022, với sản lượng gần 50.000 tấn, dự kiến thu về cho người nông dân khoảng 2.500 tỷ đồng. Sầu riêng Krông Pắk đã khẳng định được thương hiệu, được nhiều người biết đến. Hiện địa phương có 600ha sầu riêng được chứng nhận VietGap, 730ha được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp mã số vùng trồng… “Dù sầu riêng đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên huyện cũng đang tuyên truyền bà con cố gắng phát huy diện tích mình đã và đang trồng, tiến dần vào mô hình kinh tế tập thể, sản lượng ít nhưng chất lượng cao sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế lớn hơn. Việc xuất khẩu chính ngạch bắt buộc sầu riêng sạch mới đáp ứng được tiêu chí. Hiện nay, huyện đang kêu gọi các nhà máy chế biến chuyên sâu, định hướng, nâng tầm giá trị sầu riêng của huyện, giúp bà con trên địa bàn có cuộc sống sung túc, ấm no hơn”, bà Trinh nhấn mạnh.