Đã khuya. Từng đợt gió bấc hun hút thổi ngoài vườn càng làm cho đêm thêm thẳm sâu lạnh lẽo.
Chị bật dậy, thảng thốt nhìn quanh sau khi nghe ai đó gọi tên mình. Ngôi nhà nhỏ vắng lặng, chẳng có ai ngoài thằng con trai út đang ngủ rất say ở giường bên. Ai gọi mình giữa đêm hôm khuya khoắt thế ni hè? Giọng con gái, rất trẻ, Nga ơi khi mô thì em vô Huế thăm lại chiến trường xưa? Trời ơi, đúng rồi, nghe như tiếng chị Hoa, người cùng tiểu đội 11 cô gái sông Hương Tết Mậu Thân năm 68 với chị.
Chị Hoa đã hy sinh trong trận đánh ác liệt bên dòng Hương Giang mùa xuân lịch sử ấy. Nga bế Hoa trên tay, dòng máu thanh tân của người con gái anh hùng ấy thấm ướt cả vạt áo bà ba của chị.
Ra đi với chị Hoa trong mùa hoa mai lỡ làng ấy còn có các chị Phạm Thị Liên, Đỗ Thị Cúc, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Diên và Nguyễn Thị Hết. Những cô gái tuổi từ 17 đến 22, sinh ra ở xã Thanh Thủy và Thủy Vân thuộc vùng ven đô thành phố Huế, lần đầu giáp mặt với kẻ thù đã chiến đấu rất ngoan cường và quá nửa tiểu đội du kích sông Hương đã hi sinh anh dũng.
Trong nhà chị, bên bàn thờ tổ tiên có thêm bàn thờ của 6 cô gái du kích sông Hương. Chiếc bàn thờ bằng gỗ thường đặt 6 bát hương nhỏ, là cõi linh thiêng đối với gia đình chị.
Rưng rưng nghĩ về đồng đội, chị đến bên bàn thờ lấy mấy nén hương thắp cho người đã khuất. Chị Liên, chị Cúc, chị Xuân, chị Diên, chị Hết, chị Hoa ơi, vì lận đận mưu sinh nuôi con ăn học nên em ít có điều kiện vô trong nớ, nhưng lúc mô Nga cũng mong chuyện nhà tạm ổn để được về Huế thăm chiến trường xưa.
Ở đây, Nga vẫn thường xuyên hương khói cho các chị nhưng vẫn nóng lòng được thắp nén hương trên mộ người đã hy sinh. Trong làn khói hương ngàn ngạt, những gương mặt trẻ trung hiền lành của đồng đội chập chờn hiện lên và những hồi ức chiến tranh chợt ùa về rõ mồn một.
Làm sao quên được cái đêm áp tết chuẩn bị về Huế, mấy chị em không ai ngủ được. Lo lần đầu ra trận giáp mặt kẻ thù, lính Mỹ to như rứa, chị em mình nhỏ bé như ri, không biết chiến đấu ra răng. Khi nghe chị Hoa nói, đừng lo, lính Mỹ to xác rứa bắn càng dễ trúng thì tất cả mấy chị em ôm nhau cười ran.
Đêm 30 Tết, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương chia làm 3 tổ dẫn 3 cánh quân giải phóng tiến vào thành phố Huế. Trời se lạnh, mưa phùn lất phất bay. Giao thừa. Tiếng súng tấn công nổi dậy của ta nổ vang trời. Bị bất ngờ, lúc đầu địch không kịp trở tay nhưng sau đó chúng phản công ác liệt với sự hậu thuẫn của xe tăng, thiết giáp từ Phú Bài lên. Máy bay Mỹ quần đảo xé nát bầu trời. Thành phố Huế thơ mộng như bị vỡ ra trăm mảnh bởi ánh chớp và tiếng nổ của đạn bom.
Vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, tải thương, 11 cô gái du kích sông Hương vừa cầm súng đánh giặc. Không chiến hào, các chị dàn trận khắp phường, lợi dụng từng ngôi nhà dân để chiến đấu. Với khẩu AK trên tay, những cô gái mảnh mai ấy đã có mặt ở Khách sạn Hương Giang, Trường Đại học Sư phạm, chợ Cống, Vân Dương… trong các cuộc đối đầu với cả một tiểu đoàn lính Mỹ.
Chuyện nghe như huyền thoại nhưng sự thật là như thế, 11 cô gái sông Hương đã lập nên chiến tích góp phần cùng với quân dân ta làm chủ thành phố Huế trong 26 ngày đêm. Nguyễn Thị Nga (thường gọi là Xê), người em út của tiểu đội du kích nữ sông Hương vốn là hoa khôi của trường Đồng Khánh năm nào, cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng xứng đáng với thơ khen của Bác: Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường / Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường / Bác khen các cháu dân quân gái / Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương.
Mới đó mà đã gần bốn mươi năm. Chị lặng lẽ thở dài. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa nhưng hình như những người như chị chưa hoàn toàn bước ra khỏi cuộc chiến. Trong tâm thức của người nữ dân quân xưa, mùi khói súng vẫn còn phảng phất và hình ảnh đồng đội ngã xuống nơi chiến trường vẫn là nỗi ám ảnh.
Hòa bình. Chị xây dựng gia đình và theo chồng ra sống ở Tam Điệp, Ninh Bình. Bao nhiêu nỗi lo toan của đời thường, cuộc sống là những mảng sáng, mảng tối đan xen nhau. Những bất ổn, nhiễu nhương, tai ương đây đó. Đói nghèo. Khổ cực. Thiếu thốn. Những thách thức mới, nghiệt ngã với những người như chị. Vất vả, tần tảo, chắt bóp lắm vợ chồng chị mới lo được cho con bát cơm manh áo và dựng được ngôi nhà khá vững chãi để ở.
Cuộc chiến đấu chống đói nghèo sau những tháng năm cầm súng đánh giặc chẳng dễ dàng chút nào. Nói thật, lắm lúc chị cũng nản lòng nhưng nghĩ tới đồng đội đã hi sinh, chị lại nuốt nỗi buồn vào trong để lo toan cho cuộc sống gia đình. Với chị, chăm sóc việc học hành cho các con là nhiệm vụ số một.
Chị thường ứa nước mắt kể lại với các con rằng, trong 11 cô gái sông Hương ngày ấy mỗi mẹ là biết chữ thôi, các cô không một ai biết chữ cả. Hàng ngày mẹ phải tranh thủ dạy chữ cho các cô đó. Bây giờ, các con nên gắng sức học hành cho tử tế. Dù khó khăn đến mấy, mẹ vẫn quyết không để cho các con thất học.
Nói là nói thế, nhưng cả một núi gian truân đặt lên vai chị. Việc học hành của các con ngày càng đòi hỏi nhiều tiền hơn. Lương hưu của hai vợ chồng chị không đủ trang trải cho các con ăn học. Lại thêm nhiều đêm trắng với người nữ dân quân sông Hương năm xưa này.
Biết lấy tiền đâu để cho việc học hành của các con không bị đứt đoạn. Khi thằng con trai út Mai Minh Ngọc vào lớp 10, gia đình chị càng khó khăn hơn. Hai anh trai của Ngọc đã vào đại học, khoản tiền chi cho các con ăn học là gánh nặng với gia đình chị.
Có lẽ… Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu chị. Lòng chị càng rối bời khi nghĩ tới chuyện đó. Không được. Đây là sự gom góp của vợ chồng chị, là mái ấm chở che cho cả một gia đình. Nhưng, nếu không làm thế thì lấy đâu ra tiền cho con tiếp tục ăn học. Ước mơ của chúng nó, ước mơ của mình và cả ước mơ của những cô gái sông Hương nữa sẽ không trở thành hiện thực.
Sau một đêm thao thức, sáng ra chị nói ý định ấy với chồng. Chồng chị sửng sốt: Sao, em bảo sao, bán nhà à? Chị nhỏ nhẻ trả lời: Vâng, em nghĩ hết nước rồi, phải bán nhà để lấy tiền cho các con ăn học anh ạ. Chồng: Bán nhà thì đi ở đâu? Vợ: Gia đình mình đi thuê một ngôi nhà bé hơn để ở. - Tại sao lại phải thế, bao năm dành dụm làm được ngôi nhà để ở nay bán đi, cô không quẫn trí đấy chứ, chồng chị giận dỗi. Em nghĩ, việc học cho con là trên hết, không có gì bằng con cái có kiến thức anh ạ, chị thuyết phục anh. Anh vùng vằng: Thôi cô làm gì đó thì làm, cô bán nhà tôi sẽ về quê sống. Chị bán nhà. Cách đây 5 năm chị đã bán ngôi nhà thân yêu của mình với giá 50 triệu đồng để lấy tiền cho con ăn học. Ba đứa con của chị đã học xong đại học và cao đẳng.
Mỗi lần đứa nào mang tấm bằng tốt nghiệp đại học hay cao đẳng về trình mẹ, chị lại giàn giụa nước mắt. Chị lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, lên bàn thờ 6 nữ liệt sĩ sông Hương. Những tấm bằng ấy là hạnh phúc vô bờ bến của chị. Nhưng hạnh phúc nào cũng có giá của nó, chồng chị không chịu được sự quyết đoán của chị đã bỏ về Ba Vì sống. Chị và đứa con út đang sống trong ngôi nhà đi thuê của một người tốt bụng với giá 300 ngàn đồng/tháng.
Vĩ thanh: Chị kể với tôi rằng, đầu năm nay, chị nằm mơ thấy các cô gái sông Hương về thăm chị. Các cô cười nói vui vẻ lắm. Và, rất lạ là không ai già đi cả. Nét trẻ trung hồn nhiên của tuổi mười tám, đôi mươi hiện trên gương mặt vóc dáng các cô. Chị Hoa ôm chặt chị nói rằng, nì Nga, chị báo cho em biết nghe, sắp tới bọn mình sẽ được gặp nhau tại Huế, vui lắm đó. Chị bán tin bán ngờ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Nào ngờ lời báo mộng của chị Hoa thật linh nghiệm: ngày 9 tháng 1 năm 2009, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đội 11 cô gái sông Hương. Ngày 27 tháng 4 vừa rồi, chị Nguyễn Thị Nga được vào Huế dự buổi gặp mặt tọa đàm nhân sự kiện vinh quang này.
11 cô gái sông Hương, người mất người còn, quây quần bên nhau trong rực rỡ hoa tươi và giai điệu của những ca khúc đi cùng năm tháng. Những giá trị anh hùng và nhân văn được viết nên bởi những con người như 11 cô gái sông Hương không bao giờ mất đi. Những giá trị ấy tỏa sáng trong chiến tranh và trong cả hòa bình.
Nguyễn Hữu Quý
Cuộc thi ký văn học chân dung Người đương thời Cuộc thi sáng tác ký văn học chân dung Người đương thời do Báo SGGP phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, từ ngày 30-5-2008 và sẽ kết thúc vào ngày 31-7-2009. Như vậy, chỉ còn chưa đầy một tuần nữa cuộc thi này sẽ kết thúc. Trải qua hơn một năm, cho đến nay Ban tổ chức đã nhận được gần 160 tác phẩm dự thi, trong đó số tác phẩm đã được chọn đăng báo đến nay là 57. Số bài viết được đăng báo không nhiều, chỉ chiếm 1/3 số bài dự thi do mỗi tuần chỉ có thể đăng tải một bài vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên, trên thực tế từ ngày bắt đầu tổ chức cuộc thi đến nay, các tác phẩm dự thi đều liên tục được chuyển tải trên báo, tạo thành một sự nối kết hình ảnh những tấm gương, nhân vật tiêu biểu đóng góp sức mình xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Và khi cuộc thi đang dần đến ngày kết thúc, Ban tổ chức rất mong tiếp tục nhận được thêm nhiều tác phẩm gửi đến tham dự góp phần giới thiệu những gương mặt tích cực trong cuộc sống hôm nay. Hạn chót nhận bài dự thi là 31-7-2009. Dự kiến trong dịp lễ 2-9, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả cuộc thi và trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc. Trong thời gian từ nay cho đến ngày trao giải, các tác phẩm đã gửi tham dự sẽ tiếp tục được chọn đăng trên báo SGGP. BTC |