Sáng 22-9, có mặt dọc dòng sông Hộ Độ, PV Báo SGGP ghi nhận hàng ngàn cây lục bình đơn lẻ và kết thành từng mảng trôi dạt dày đặc, ngổn ngang khắp nơi trên bề mặt lòng sông, hai bên mép bờ sông, bám chặt vào rừng cây ngập mặn, các lồng bè nuôi hải sản, chân cầu Hộ Độ, khu vực neo đậu tàu thuyền…
Do số lượng lục bình quá lớn nên đã gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, tàu thuyền qua lại gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, dọc hai bên bờ sông, từng lớp lục bình còn tấp vào chất thành từng đống, trong đó nhiều cây đã bị khô héo và chết dần làm bốc mùi hôi tanh khó chịu, cảnh quan môi trường nhếch nhác, ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (64 tuổi, một người dân ở huyện Lộc Hà) đang đi thuyền đánh bắt cá trên dòng sông Hộ Độ, cho biết, lục bình trôi dạt về sông Hộ Độ từ nhiều ngày qua. Do số lượng quá lớn và kết thành từng mảng nên việc di chuyển của tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn; lục bình còn bám chặt, dày đặc vào lưới, vó đánh cá và các lồng bè nuôi cá. Mặc dù một số người dân đã dùng sào dài đẩy cây bèo trôi theo dòng chảy nhưng đều bất lực, đẩy được lớp này thì lớp cây khác lại tiếp tục tấp vào.
Ông Trương Bá Khanh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, cho biết, dòng sông Hộ Độ rộng khoảng hơn 200m, riêng đoạn chảy qua địa bàn xã Hộ Độ kéo dài khoảng 4km. Khoảng 4-5 ngày trở lại nay, do ảnh hưởng tình hình mưa lũ nên tại khu vực cống Đò Điểm (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trên trục sông Nghèn mở cửa xả nước để phòng tránh ngập úng cho vùng thượng nguồn, vì vậy đã kéo theo số lượng rất lớn lục bình trôi dạt xuống dòng sông Hộ Độ, sau đó chảy về phía biển.
Theo ông Trương Bá Khanh, việc lục bình trôi dạt về dày đặc khắp trên dòng sông Hộ Độ đã khiến người dân địa phương rất khổ sở, gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, vệ sinh môi trường, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Ngoài ra, còn gây ảnh hưởng khó khăn, trở ngại cho hoạt động giao thông đường thủy của tàu thuyền qua lại.
Do số lượng lục bình tấp về trên dòng sông quá lớn nên không thể nào xử lý hết được, trong khi nguồn ngân sách của địa phương thì không đủ điều kiện. Trước mắt, đối với số lượng lục bình trôi dạt, tấp vào sát bờ sông và các cống thoát nước, ngõ hẻm thì chính quyền địa phương sẽ huy động người triển khai trục vớt để tránh gây ách tắc dòng chảy, nhưng việc trục vớt lục bình lên bờ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường...
Theo quan sát, không chỉ riêng dòng sông Hộ Độ, trong thời gian này, tại nhiều khu vực dòng sông khác ở địa bàn huyện Lộc Hà và huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng xuất hiện tình trạng bạt ngàn lục bình từ trên trục Sông Nghèn chảy qua cống Đò Điểm trôi dạt về với mật độ dày đặc.
>> Một số hình ảnh lục bình trôi dày đặc trên sông Hộ Độ: