Bữa cơm kết nối yêu thương
Tại hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình trẻ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM tổ chức, trong 100 cặp đôi đang cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình, cặp vợ chồng trẻ công tác tại Quận đoàn 3 Trương Thành Nhanh (25 tuổi) và Trần Thị Như Tình (23 tuổi) vừa luôn tay cắt tỉa rau củ, xào nấu, vừa trò chuyện vui vẻ. Ngày 28-6 này là kỷ niệm tròn một năm họ góp gạo thổi cơm chung. Dù là vợ chồng trẻ nhưng Tình và Nhanh rất ý thức trong việc cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình; một năm qua, bếp nhà của họ luôn đỏ lửa mỗi khi chiều về.
“Thường thì chúng em nấu bữa cơm chiều, vợ em là bếp chính, thi thoảng vợ có công việc cơ quan thì em đi chợ nấu cơm thay vợ. Được cái, vợ chồng em đồng quan điểm thích ăn cơm nhà hơn cơm tiệm, bởi chúng em hiểu bữa cơm chính là cầu nối của những yêu thương”, Thành Nhanh chia sẻ và không quên trao cho vợ nụ cười hạnh phúc. Thói quen dễ thương của họ chính là khi vợ nấu ăn xong thì lấy một miếng để chồng nếm thử, bởi đơn giản Tình nghĩ, bữa cơm mình làm bằng tất cả yêu thương này là dành cho chồng và muốn chồng được ngon miệng.
“Tuyệt vời nhất là sau công việc có người chờ đợi ở nhà” - đó là châm ngôn sống của anh chị Nguyễn Việt Hùng - Huỳnh Thị Xuân Liên (Tổng giám đốc nhượng quyền Pepsico Việt Nam). Dù là những doanh nhân thành đạt, bận rộn với công việc, nhưng anh chị vẫn luôn xem trọng việc duy trì bữa cơm gia đình.
Chị Liên bảo: gia đình với những bữa cơm đầm ấm chính là nơi chứa đựng những niềm vui, giúp chị thêm năng lượng làm việc. Bữa cơm chính là nơi giúp tình cảm các thành viên gắn kết và tình vợ chồng thêm bền vững. Vậy nên, dù công việc có nhiều như thế nào, chị cũng dành thời gian chăm chút bữa ăn cho cả nhà. Còn với anh Hùng, hạnh phúc nhất không phải là mỗi ngày làm ra được bao nhiêu tiền, mà chính là được về quây quần bên mâm cơm có con gái, có vợ và mẹ già. Sau một ngày vật lộn với công việc, được trở về nhà hưởng trọn không khí của yêu thương, được cùng vợ chăm sóc con cái, anh Hùng thấy bao lo toan khó khăn bên ngoài chỉ còn là “chuyện nhỏ”.
Xa mặt nhưng không cách lòng
Với những gia đình vì một lý do nào đó phải tạm sống xa nhau thì hai tiếng “gia đình” còn thiêng liêng ở chỗ đó là nơi họ nghĩ đến sau những khó khăn, thất bại hay thành công. Nhớ lại khoảng thời gian dài hai vợ chồng phải sống xa nhau, ánh mắt chị Nguyễn Thị Giang (công tác tại Đồn biên phòng Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM) vẫn thoáng buồn. Vì công việc, có thời gian hơn 5 năm anh Huỳnh Công Cẩn, chồng chị Giang, nhận công tác tại đảo Thạnh An; chị thì sống ở thành phố và khi đó cậu con trai đầu vừa bập bẹ gọi tiếng “ba”. Một tuần, có khi một tháng, anh mới có điều kiện về thăm vợ con, nhớ chồng, chị dồn hết tình thương chăm sóc, nuôi dạy con.
Chị Giang bảo, dù phải ở cách xa nhưng lòng vẫn luôn hướng về nhau, xác định vai trò trách nhiệm với gia đình để tin tưởng nhau, có như vậy mới cùng vượt qua được khó khăn.
Từ miền Tây lặn lội lên TPHCM theo các công trình xây dựng để làm việc, có nhiều đêm, anh Phan Văn Thanh (quê Bạc Liêu) nhớ vợ con đến không ngủ được. Có khi anh nghĩ hay là về quê kiếm gì đó làm để được gần gia đình, nhưng lại lo sợ bị thất nghiệp thì lấy tiền đâu nuôi vợ và lo con cái đi học. Vậy là anh lại cố gắng.
“Có khó khăn gì thì tôi nghĩ đến vợ cũng vất vả làm lụng ở quê, các con ngày ngày được đến lớp, vậy là thêm tinh thần làm việc. Ở xa nhau nhưng chúng tôi luôn nghĩ về nhau, điện thoại động viên nhau, đó cũng là hạnh phúc”, anh Thanh chân chất chia sẻ.
Tôi không quên câu chuyện của chị Trần Thị Mai (quê Quảng Ngãi) - một người bán rau trên chiếc xe đẩy. Ngày ngày, chị đẩy xe rau qua các ngỏ hẻm để kiếm chút tiền lời gửi về quê lo cho các con đi học. “Nhìn mọi người chở con đi học, tôi nhớ các con ở quê quá”, khi nói điều này, ánh mắt người mẹ khắc khổ ấy đượm buồn. Chồng mất vì tai nạn giao thông, chị bấm bụng gửi 3 đứa con nhỏ lại quê nhờ ông bà nội ngoại chăm giúp để vào TPHCM tìm kế sinh nhai. Mọi cố gắng của chị chính là để ráng lo cho các con có chữ nghĩa, để sau này tương lai tươi sáng.
Động lực của chị Mai là dù phải cực khổ trăm bề, chị biết bên cạnh mình luôn có các con. “Tụi nhỏ là điểm tựa của tôi”, chị Mai bày tỏ. Và khi nghĩ về căn nhà nhỏ, nơi các con chị đang chăm chỉ học tập, chị Mai thấy mình hạnh phúc như vẫn đang được sống gần các con.