Các loại tài sản, thu nhập mà công chức phải thực hiện kê khai
Theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, có 4 nhóm đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập, gồm cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Luật cũng đã quy định 11 nhóm công việc tuyệt đối không được làm với cán bộ, công chức. Đó là nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ. Việc sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan cũng nằm trong nhóm việc bị nghiêm cấm đối với cán bộ công chức.
Bên cạnh đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Đặc biệt, người là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước còn không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; không được cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Không phân biệt đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên
Một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi là từ ngày 1-7 tới đây sẽ không phân biệt hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
Cụ thể, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù do Chính phủ quy định.
Thời gian thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân là 24 tháng
Công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ sẽ phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng; giảm 12 tháng so với hiện hành (36 tháng). Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, nhưng không quá 6 tháng trong các trường hợp để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hoặc đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.
Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
16 tội danh không được đề nghị đặc xá
Theo Luật Đặc xá 2018, có thêm nhiều trường hợp không được đề nghị đặc xá. Người bị kết án phạt tù về các tội như tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…
Luật cũng bổ sung trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các trường hợp Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển
Kể từ ngày 1-7, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp: vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển 2018; thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thêm 3 thỏa thuận cạnh tranh
Từ ngày 1-7, sẽ có 11 thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh, nghĩa là thêm 3 trường hợp so với hiện hành. Đó là: thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh 2018 còn sửa đổi quy định về tập trung kinh tế bị cấm, theo đó cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.