Sau khi ghép thận có được xài thẻ BHYT?

Sau ghép thận, bệnh nhân được hưởng thuốc chống thải ghép có trong danh mục thuốc theo Thông tư 40 của Bộ Y tế. Ngoài ra còn các thuốc và xét nghiệm cận lâm sàng khác theo quy định. 
* Tôi nghe nói những người bị suy thận sẽ được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) và trợ cấp của Nhà nước? Vậy những người sau ghép thận có còn được hưởng hay không? Nếu được thì làm thủ tục như thế nào? (bạn đọc có email baolinhm…@gmail.com)
- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Sau ghép thận, bệnh nhân được hưởng thuốc chống thải ghép có trong danh mục thuốc theo Thông tư 40 của Bộ Y tế. Ngoài ra còn các thuốc và xét nghiệm cận lâm sàng khác theo quy định. Vì sau ghép thận đa số bệnh nhân điều trị ngoại trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương, nên bệnh nhân lưu ý cần có: Giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho mỗi đầu năm duơng lịch (đây là 1 trong 62 bệnh mạn tính được chuyển tuyến một năm dương lịch).
* Nhiều người hưởng lương hưu như chúng tôi chỉ nghe mọi người truyền tai nhau về việc đổi thẻ BHYT mới. Khi đến ghi tờ khai xong, nộp và chờ gần một buổi mới đến lượt mình, thì người đổi thẻ thông báo không có thẻ (một số người). Đề nghị đơn vị BHXH thông báo cho từng người, kể cả việc đến kỳ ký xác nhận BHXH của những người không nhận lương trực tiếp, bằng tin nhắn hoặc gọi điện. (NGUYỄN VĂN THƯỞNG, quận Thủ Đức, TPHCM)
- Để chuẩn bị cho việc đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH và phát thẻ BHYT cho người hưởng lương hưu và người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng trên địa bàn TPHCM (cả người nhận bằng tiền mặt và người nhận qua thẻ ATM) cùng với kỳ chi trả tháng 4-2018, ngày 1-2, BHXH TPHCM có thông báo về việc đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH (mẫu thẻ mới). Đồng thời, BHXH TPHCM phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn dán thông báo này tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để các đối tượng thuộc diện đổi thẻ biết thông tin về việc nhận thẻ BHYT mới. BHXH TPHCM cũng công bố thông tin rộng rãi trên báo, đài, trong đó có Báo SGGP. 
Việc đổi thẻ BHYT như sau: BHXH TPHCM thực hiện đổi thẻ BHYT và bàn giao cho Bưu điện TPHCM để các điểm bưu điện chi trả lương hưu sẽ phát thẻ BHYT cùng với kỳ chi trả lương hưu từ tháng 4-2018. Những người đã được cấp mới, hoặc cấp lại, hoặc đổi thẻ BHYT mẫu mới rồi thì cơ quan BHXH sẽ không đổi thẻ trong đợt này và tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã được cấp để đi khám chữa bệnh. Trường hợp những người chưa đổi thẻ BHYT mẫu mới và trong đợt này cũng chưa có thẻ thì bưu điện sẽ ghi nhận lại thông tin chuyển cho cơ quan BHXH rà soát, in thẻ ngay và chuyển trả trực tiếp cho đối tượng qua đường bưu điện. 
Chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của ông và sẽ phối hợp với Bưu điện TPHCM thông tin việc đổi thẻ BHYT đến người tham gia BHYT tốt hơn.
* Tôi sinh năm 1947, tham gia chiến đấu ở cả 3 chiến trường A, B, C từ 1964-1975, sau đó chuyển sang làm dân sự, đến tháng 5-1993 thì nghỉ hưu. Nay tôi đang hưởng BHYT của người có công. Gia đình tôi hiện có 3 người đang sống trong một nhà, gồm: tôi, vợ tôi và con tôi. Vợ tôi không có lương, đang làm nội trợ; con gái tôi học sư phạm sắp ra trường. Theo chính sách hiện hành thì vợ tôi có được hưởng chính sách BHYT “ăn theo” chồng - diện BHYT của người có công - không? (BÙI TRƯƠNG TÝ, quận 12, TPHCM)
- Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Điểm k, Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT thì thân nhân của người có công với cách mạng (trừ cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) được ngân sách nhà nước đóng BHYT bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi, hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Theo quy định trên, trường hợp của vợ ông không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Để tham gia BHYT, vợ ông có thể liên hệ với đại lý thu BHYT ở xã, phường để đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục