Hỏi: Xin cho biết:
1. Sau khi đỗ thi Hội, đã là tiến sĩ chưa?
2. Tại Đệ nhất giáp: Sau Tam khôi còn tiến sĩ nào nữa không?
3. Thế nào là:
- Hoàng giáp?
- Tam giáp? (khác nhau thế nào?)
- Tiến sĩ cập đệ?
- Tiến sĩ xuất thân?
- Đồng tiến sĩ xuất thân?
- Phó bảng?
- Tiến sĩ đệ nhất giáp?
Đệ nhị giáp? Tiến sĩ đệ tam.
TRẦN VĂN (Q3 TPHCM)
KHÁNH TƯỜNG: Dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), để tuyển chọn nhân tài, triều đình tổ chức các kỳ thi Hương và thi Hội. Sĩ tử trúng tuyển kỳ thi Hương được học vị Cử nhân. Thi Hương có 4 giai đoạn gọi là trường. Ai đỗ trường nhất mới được thi tiếp trường nhì, đỗ trường nhì được thi tiếp trường ba. Không đậu được trường tư thì chỉ được danh vị Tú tài. Đậu được cử nhân mới được ghi danh thi Hội. Thi Hội được tổ chức tại kinh đô Huế, ba năm một kỳ vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Kỳ thi Hội đầu tiên được tổ chức vào năm 1822 (triều Minh Mạng và kỳ thi Hội cuối cùng là vào năm 1919 (Khải Định))
Kỳ thi Hội, các cử nhân cũng phải trải qua 4 trường. Trường tư được tách ra và được gọi là thi Đình. Ba trường đầu của kỳ thi Hội, thí sinh thi ở Trường Thi. Thi Đình, có tên gọi như vậy vì kỳ thi được tổ chức trong hoàng thành. Thi Đình do nhà vua đích thân làm chánh chủ khảo. Đây chỉ là giai đoạn cuối cùng của thi Hội với mục đích xếp thứ tự các vị tiến sĩ tân khoa.
Danh vị tiến sĩ được chia làm ba bậc, gọi là giáp.
1. Đệ nhất giáp tiến sĩ: có ba danh hiệu, gọi là tam khôi:
- Đệ nhất danh: Trạng nguyên
- Đệ nhị danh: Bảng nhãn
- Đệ tam danh: Thám hoa
2. Đệ nhị giáp tiến sĩ: chỉ có một danh hiệu duy nhất là Hoàng giáp
3. Đệ tam giáp tiến sĩ: được gọi là Đồng tiến sĩ xuất thân hay vắn tắt là tiến sĩ
Năm 1829, vua Minh Mạng cho lấy thêm những thí sinh có trình độ tương đương nhưng không ở trong số tiến sĩ đã định trước. Những người được trúng tuyển thêm được ghi vào một bảng phụ nên được gọi là phó bảng. Các vị phó bảng không được khắc tên vào bia tiến sĩ dựng ở Văn Miếu và không được dự hưởng những đặc ân khác của tiến sĩ.
Trong suốt gần một trăm năm (1822 – 1919), khoa cử nhà Nguyễn không chấm ai đỗ trạng nguyên (tiến sĩ đệ nhất giáp, đệ nhất danh) mà chỉ có những người đỗ bảng nhãn, thám hoa mà thôi. Vì thế, có người cho rằng nhà Nguyễn bỏ danh vị trạng nguyên. Đó chỉ là suy đoán vì không có một văn bản nào quy định như vậy. Nếu thi Hương đỗ giải Hương nguyên (thủ khoa) và thi Hội đỗ Hội nguyên (3 trường đầu) rồi đỗ luôn Đình nguyên thì được danh hiệu Tam nguyên (như nhà thơ Nguyễn Khuyến…).