Đại diện cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. Việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) liệu có khả thi?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, song đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của Dự thảo Luật về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú... để bảo đảm các quy định này không gián tiếp tạo thành các rào cản đối với công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú. Đối với quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các văn bản dưới luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình sửa đổi để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú khi được Quốc hội thông qua.
Về việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ủy ban Pháp luật nhìn nhận, phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. Do vậy, việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) liệu có khả thi?
Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng trên thực tế thì đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.
Điều khoản chuyển tiếp khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu cũng hết sức quan trọng, vì có ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…).
Đó là chưa kể trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân hiện nay, Sổ hộ khẩu hiện vẫn là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn Sổ hộ khẩu thì sẽ khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch này, vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết.
Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú trong các Cơ sở dữ liệu điện tử. Lộ trình sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan cũng phải tính toán ngay để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Còn băn khoăn việc bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào TP trực thuộc Trung ươngQuy định bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau, được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Tờ trình của chính phủ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), pháp luật hiện hành quy định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể là trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên. Riêng đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên. Bên cạnh đó, còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố… Giải thích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhìn nhận, quy định riêng đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương là không phù hợp cả với Hiến pháp cũng như thực tiễn. “Người tạm trú hiện nay ở các đô thị như TPHCM và Hà Nội lên đến hàng triệu người, nếu không đăng ký thì cũng quản lý được. Riêng Hà Nội có thể hạn chế bằng những biện pháp khác”, ông Tô Lâm nói. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại phiên họp UBTVQH chiều 22-4 Dự thảo Luật sửa đổi đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô. Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó. Việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Còn phân vân giữa “hai luồng ý kiến khác nhau, mỗi ý kiến đều có lập luận, căn cứ nhất định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần phân tích thêm, đặc biệt đảm bảo tính thống nhất với Luật Thủ đô. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần có sự tổng kết, đánh giá tác động sâu sắc hơn, đồng thời vẫn cần có các công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế - xã hội... để một mặt vẫn quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học; bảo đảm an ninh, trật tự tại các thành phố trực thuộc Trung ương (nhất là khu vực nội thành); cũng như khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu. |