Sau gần 3 năm điều tra vụ “biến đất mặt tiền thành đất hẻm”: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Vụ án bắt đầu từ việc người dân tố cáo ông Bùi Mạnh Hải (quận 12, TPHCM) chuyển mục đích 4.000m2 đất mặt tiền nhưng làm hồ sơ giả thành đất hẻm để trốn thuế hơn 6,5 tỷ đồng (Báo SGGP đã đăng bài phản ánh vào ngày 28-11-2019). Đến nay, sau gần 3 năm điều tra, truy tố, tòa án vừa tuyên trả hồ sơ vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Chỉ xử lý cán bộ thuế!

Sau khi nhận đơn của người dân tố cáo ông Hải trốn thuế, làm hồ sơ giả, Công an quận 12, TPHCM đã khởi tố vụ án với 3 tội danh “Trốn thuế”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thế nhưng, từ đó đến nay, Công an quận 12 vẫn chưa điều tra được 2 hành vi phạm tội chính, nên tạm đình chỉ điều tra, chỉ xử lý đối với cán bộ thuế về tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hình chụp hồ sơ vụ việc
Trong kết luận điều tra và cáo trạng có nhiều điều “lạ”. Cáo trạng nêu: ông Hải giao cho ông Đặng Bá Cường làm dịch vụ giấy tờ nên ông Cường làm thế nào ông Hải không biết (ông Hải đi nộp tiền thuế vào kho bạc và nhận kết quả hồ sơ). Ông Cường thì khai, sau khi nhận hồ sơ đã nhờ Công ty Bảo Nguyên làm, nhưng bà Nguyên (Chủ công ty Bảo Nguyên) khai không nhận hồ sơ này. Thế là hành vi này được tạm đình chỉ điều tra, mặc dù Cục Thuế TPHCM đã có văn bản số 13759/CT-KTNB ký ngày 16-11-2019 gởi Quận ủy, UBND quận 12, viện dẫn Điều 17 Luật Quản lý thuế, xác định: “Ông Hải là người nộp thuế, phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tính trung thực, chính xác, hợp pháp đối với các tờ khai lệ phí trước bạ và các tài liệu liên quan đã cung cấp cho cơ quan thuế. Do vậy, ông Hải phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.


Về phía cán bộ thuế, căn cứ vào “giấy xác nhận của phường” (giấy này sau đó được công an giám định là giấy giả) ghi “hẻm cấp còn lại” (hẻm nhựa) và trên tờ sổ đỏ còn ghi thêm chữ “ra” trước chữ “đường Tô Ngọc Vân” nên tính thuế theo giá đất trong hẻm. Thế nhưng, trong cáo trạng lập luận rằng, tờ giấy xác nhận của phường ghi thiếu “đoạn đường” (đường Tô Ngọc Vân có 2 đoạn, với 2 mức giá khác nhau) mà cán bộ thuế không trả hồ sơ nên phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bào chữa cho các bị cáo, Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) lập luận: Việc thiếu “đoạn đường” trong giấy xác nhận của phường không gây thất thu thuế, mà thất thu thuế là do tính theo đất hẻm (trong khi thực tế đất ở mặt tiền); việc thất thu thuế là do giấy xác nhận giả, mà bằng mắt thường, cán bộ thuế không thể nhận biết được. Đến nay, số thuế trốn là 6,5 tỷ đồng, đã tăng lên từng ngày thành 13 tỷ đồng (do tiền chậm nộp).

Cơ quan thuế khẳng định không sai quy trình

Vào những năm 2013-2014, mặc dù có Thông tư liên tịch 30/2005/TTLT-BTC-BTNMT nhưng một số quận vẫn chưa thực hiện liên thông một cửa, một dấu (trong đó có quận 12), nên cơ quan thuế áp dụng theo hướng dẫn tại Công văn 6265/CV-THNVDT. Cục Thuế TPHCM xác nhận: “Chi cục Thuế quận 12 đã nhận hồ sơ đầy đủ, đúng thành phần theo Điểm 3 Mục II Công văn 6265 của Cục Thuế”. Mới đây, ngày 13-4-2022, Cục Thuế TPHCM tiếp tục có văn bản gởi TAND quận 12 và Viện KSND quận 12, một lần nữa xác định: “Tại thời điểm giải quyết các hồ sơ, công chức thuế đã thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ. Việc phát hiện sử dụng giấy tờ giả để xác định vị trí thửa nêu trên là nằm ngoài khả năng của cán bộ, công chức. Trách nhiệm này thuộc về ông Bùi Mạnh Hải”.

Sở dĩ vụ án gây xôn xao dư luận trong thời gian dài vừa qua là bắt nguồn từ việc trốn thuế, sau đó mới phát hiện hồ sơ giả, nhưng đến nay, sau 3 năm điều tra, các cơ quan tố tụng quận 12 vẫn không làm rõ được ai chủ mưu, ai làm giả hồ sơ, ai trốn thuế, ai hưởng lợi trong vụ án này? Ở phiên tòa mới đây, thẩm phán Trần Đức Lê, chủ tọa phiên tòa, cho rằng, vụ án có dấu hiệu sót người, lọt tội, cần tiếp tục điều tra bổ sung. Cần phải nhập 2 tội danh “Trốn thuế” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vào chung vụ án để làm rõ hành vi, đối tượng làm giả hồ sơ, trốn thuế trong vụ án. Tuy nhiên, vị thẩm phán này lại đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 3 cán bộ thuế (hiện nay đang tại ngoại, thay đổi bằng tạm giam), mặc dù phiên tòa vẫn không xác lập được tội danh đã truy tố; còn nếu phạm tội khác cũng chưa xác định là tội gì, trong khi vụ án đã kéo dài 3 năm… 

Luật sư Trần Hải Đức nêu ý kiến: Bản chất của vụ án này là các đối tượng đã cố ý làm giả hồ sơ để trốn thuế, trục lợi tiền thuế; việc thiếu trách nhiệm của 3 cán bộ thuế chỉ là yếu tố phụ. Trong vụ án này, cơ quan điều tra không chứng minh được 3 cán bộ trên tiêu cực, móc nối với thủ phạm làm giả hồ sơ, trốn thuế.

Tin cùng chuyên mục