Ngày 30-7, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, hàng giả 6 tháng đầu năm.
Theo Bộ Công thương, nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục Quản lý thị trường là kiểm soát hàng hóa, thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại… Vào ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, trên cơ sở nâng cấp Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương và các chi cục quản lý thị trường thuộc Sở Công thương của các địa phương, quy về một đầu mối “ngành dọc” là Tổng cục Quản lý thị trường chịu trách nhiệm quản lý.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ để đáp ứng yêu cầu hoạt động, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, phải mất ít nhất 1 năm mới có thể kiện toàn được bộ máy. Sau 10 tháng thành lập, với số lượng cán bộ lên tới gần 6.500 người, để sắp xếp, bố trí công việc. “Tôi xin khẳng định phải mất thời gian, không thể trong 1 tháng hay 1 quý mà phải mất ít nhất 1 năm” - ông Linh nói.
Về việc bố trí chức vụ, vị trí, chỗ ngồi cho các chức danh ở cấp cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện ở cấp cục trưởng, một số người là chi cục trưởng trước đây lại thiếu tiêu chuẩn lên cục trưởng. Vì vậy đến nay, tổng cục mới bổ nhiệm được 12 cục trưởng, còn lại mới là quyền cục trưởng.
Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, hiện tổng cục đang khẩn trương sắp xếp tổ chức, phấn đấu hết tháng 9, sẽ kiện toàn, bổ nhiệm xong các chức danh. Sở dĩ việc bổ nhiệm chậm là do khi nâng cấp các chi cục thành cục và để thống nhất theo ngành dọc xuyên suốt từ Bộ Công thương xuống các đơn vị thì tổ chức phải làm rất nhiều việc, từ ổn định tư tưởng, tổ chức đảng đến bổ nhiệm mới hầu hết các vị trí từ cục trưởng, phó cục trưởng, phó phòng... tất cả phải theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn từng chức danh, độ tuổi.