
Thủ tướng yêu cầu công chúng cung cấp viện trợ và hỗ trợ nhiều nhất có thể cho các nỗ lực cứu hộ đang diễn ra do tác động của trận động đất này. Trước đó, ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại tất cả các khu vực bị ảnh hưởng và đã mở mọi kênh có thể để nhận hỗ trợ quốc tế.
Còn tại Thái Lan, Thống đốc Bangkok, ông Chadchart Sittipunt trấn an người dân về khả năng xảy ra dư chấn, khẳng định các đợt rung chấn tiếp theo sẽ yếu hơn và tâm chấn nằm xa Bangkok. Chính quyền đô thị Bangkok (BMA) và Chính phủ Thái Lan đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Theo ông Chadchart Sittipunt, ưu tiên cao nhất hiện nay là đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế. Các bệnh viện đã kích hoạt quy trình khẩn cấp, sẵn sàng sơ tán bệnh nhân nếu cần thiết. Bệnh nhân nhẹ được khuyến khích xuất viện để giảm tải, trong khi các ca cấp cứu được ưu tiên xử lý.

Hiện cả hệ thống tàu điện ngầm (MRT) và tàu điện trên cao (BTS) tạm ngừng hoạt động để kiểm tra an toàn. Dự kiến MRT có thể hoạt động trở lại vào sáng 29-3, trong khi BTS cần thêm thời gian đánh giá do đặc thù kỹ thuật.
Cho đến sáng 29-3, các báo cáo đánh giá tác động nghiêm trọng nhất được ghi nhận tại các công trình đang xây dựng, đặc biệt là sự sụp đổ hoàn toàn của tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) tại quận Chatuchak. 169 tòa nhà khác xuất hiện vết nứt, tuy nhiên không ảnh hưởng đến kết cấu chính.
Trong một tuyên bố tối 28-3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết trận động đất không gây tác động đáng kể đến nền kinh tế và hệ thống tài chính của Thái Lan. Các cơ quan chính phủ đã sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để quản lý tình hình một cách cẩn thận và hiệu quả.
Ngày 28-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã trao đổi với các quan chức tại Myanmar về trận động đất xảy ra ở nước này và tuyên bố chính quyền của ông sẽ cung cấp một số hình thức hỗ trợ. Cùng ngày, theo một nguồn thạo tin, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sẽ cử một số đội ngũ tới Thái Lan để hỗ trợ nỗ lực phục hồi sau trận động đất xảy ra tại Đông Nam Á.