Ghi nhận giá vàng SJC vào khoảng 13 giờ 45 tại TPHCM, Tập đoàn Phú Quý báo giá ở mức 74 triệu đồng/lượng mua vào và 76,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 4,3 triệu đồng chiều mua và 3 triệu đồng chiều bán so với sáng nay.
Cùng thời điểm tại Hà Nội, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng SJC ở mức 73 triệu đồng/lượng mua vào và 76,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 5,3 triệu đồng chiều mua và 3 triệu đồng chiều bán so với sáng nay.
Trong khi giá vàng SJC lao dốc, giá vàng nhẫn 9999 được các doanh nghiệp kinh doanh vàng tiếp tục điều chỉnh tăng so với buổi sáng. Cụ thể, Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn 9999 ở mức 63 triệu đồng/lượng mua vào và 64,05 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 50.000 đồng cả 2 chiều mua và bán. Tương tự, Công ty PNJ báo giá ở mức 63,05 triệu đồng/lượng mua vào và 64,15 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 150.000 đồng cả 2 chiều mua và bán.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco vào 14 giờ ngày 28-12 (giờ Việt Nam) đang giao dịch ở mức 2.086,1 USD/ounce, không biến động so với sáng nay. Mức giá này sau khi quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại Vietcombank sáng nay tương đương 61,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 14,5 triệu đồng, từ mức 18,5 triệu đồng/lượng sáng nay và thấp hơn vàng 9999 ở mức 2,8 triệu đồng/lượng.
Trước việc thị trường vàng biến động mạnh, đặc biệt là vàng SJC “nhảy múa” thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27-12-2023 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Thủ Tướng cũng yêu cầu NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1-2024.
Trước diễn biến giá vàng quốc tế và trong nước những ngày qua, ngày 28-12, NHNN cũng vừa chính thức lên tiếng về tình hình thị trường vàng.
Theo NHNN, từ đầu tháng 12-2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/ounce. Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo và có thời điểm tăng lên đến 80 triệu đồng/lượng sau đó giảm nhanh trở lại. Trước biến động mạnh của giá vàng quốc tế và trong nước những ngày gần đây, khối lượng giao dịch cả chiều mua, lẫn chiều bán vàng đều tăng nhẹ, tuy nhiên thị trường vàng miếng SJC nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây.
NHNN cho biết, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh những ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn. NHNN khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Cơ quan này cũng cho biết, trong tháng 1-2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.