Ngay lập tức, như phản xạ ăn sâu vào mỗi nhân viên y tế, ê-kíp gấp rút chuẩn bị cho ca cấp cứu phải can thiệp tái thông mạch vành. Từng động tác thuần thục, chính xác, chạy đua với thời gian để níu giữ tính mạng người bệnh.

Áp lực thành động lực
Chỉ 5 phút sau, bệnh nhân đã có mặt tại phòng DSA (phòng chụp mạch máu xoá nền). Người bệnh đau ngực dữ dội, khó thở, vật vã. Trong lớp áo chì nặng nề, điều dưỡng Lâm Minh Khánh Hoàng vừa động viên người bệnh, vừa theo sát tín hiệu điện tâm đồ và huyết áp.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường của nhịp tim, anh lập tức báo động với bác sĩ, trong tay đã sẵn sàng thuốc để xử trí. “Một giây chậm trễ có thể khiến bệnh nhân ngưng tim ngay trên bàn can thiệp”, anh chia sẻ.
Những tình huống nguy cấp không hiếm trong công việc của điều dưỡng Khánh Hoàng suốt 13 năm qua tại Đơn vị Can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Không chỉ là nhân sự xuất sắc của đơn vị, mới đây, anh còn đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh Thạc sĩ ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Y Dược TPHCM.
“Việc học thạc sĩ trong thời gian tới giúp tôi hiện thực khát khao về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong ngành y, nâng cao chuyên môn cũng nhằm mục tiêu cao nhất là vì sức khoẻ người bệnh”, anh chia sẻ.
Nghề và nghiệp sau lớp áo chì
TS-BS Trần Hòa, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận xét: “Điều dưỡng Lâm Minh Khánh Hoàng là một đảng viên gương mẫu, một nhân viên xuất sắc của đơn vị nhưng hành trình đến với nghề của Hoàng không hề dễ dàng”.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hoàng bắt đầu công tác tại một bệnh viện chuyên khoa ở TPHCM. Chưa đầy một năm, anh nhận lệnh nhập ngũ, gác lại sự nghiệp và thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Những ngày trong quân ngũ đã rèn giũa cho anh tinh thần kỷ luật và ý chí không ngại khó khăn.

Xuất ngũ vào năm 2012, anh chính thức gia nhập Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, được phân công về phòng DSA. Ban đầu, những lo lắng về nguy cơ phơi nhiễm tia X và áp lực từ bệnh nhân cấp cứu khiến anh không khỏi băn khoăn. Tuy vậy, chứng kiến nhiều đàn anh, đàn chị đang tận tụy cứu người, Hoàng tin rằng mình cũng sẽ làm được.
Từ đó, Hoàng gắn nghề mình sau chiếc áo chì, là cách anh nhận lãnh trách nhiệm cùng ê kíp chữa bệnh cứu người. Ở lại bệnh viện sau mỗi ca trực, Hoàng quan sát cách chuẩn bị dụng cụ, cách xử trí biến chứng và cả cách để trấn an bệnh nhân.
“Phải thao tác thật nhanh và chính xác trong khi mặc chiếc áo chì nặng gần 8kg là điều không dễ dàng. Ngày đầu tiên bước vào phòng can thiệp, tôi mệt đến mức về nhà ngủ li bì vì bị ‘say tia’”, anh nhớ lại. Một tuần sau, cơ thể anh mới dần thích nghi với công việc đặc thù này.
Thực tế, môi trường làm việc trong phòng DSA đầy thách thức. Nhân viên phải mặc áo chì để bảo vệ khỏi tia X và đeo liều kế để kiểm soát mức phơi nhiễm. Nếu lượng tia hấp thụ vượt ngưỡng, họ buộc phải nghỉ ngơi để đảm bảo an toàn.
Theo TS-BS Trần Hoà, người làm nghề này lâu năm dễ mắc bệnh nghề nghiệp như đau cột sống, đau khớp gối, suy tĩnh mạch hai chân, nguy cơ tiềm ẩn bị ung thư do liên quan đến phơi nhiễm tia X.
Khác với bác sĩ điều trị, các điều dưỡng can thiệp xuất hiện chủ yếu ở tình huống sinh tử như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cấp cứu khẩn cấp... nhưng hiếm khi được bệnh nhân nhớ mặt, gọi tên.
“Điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý và bác sĩ đều quan trọng. Tất cả công đoạn phải chuyên nghiệp, nhân sự giỏi chuyên môn, phối hợp ăn ý thì mới đạt hiệu quả. Không có ai đóng vai phụ trong ê-kíp can thiệp nội mạch", TS-BS Trần Hoà chia sẻ.

“Thật ra, việc bệnh nhân nhớ đến mình hay không, không quá quan trọng. Niềm vui lớn nhất chính là giây phút bệnh nhân thoát khỏi cửa tử. 13 năm qua, cảm giác đó vẫn nguyên vẹn, là động lực lớn nhất để tôi và đồng nghiệp gắn bó với nghề", điều dưỡng Khánh Hoàng tâm sự.
Công việc thường trực căng thẳng và áp lực nhưng cũng là mối duyên lành. Bởi lẽ, vợ anh là một điều dưỡng đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Điểm tựa này giúp anh có thêm động lực để gắn bó với nghề.
“Vợ tôi là điều dưỡng công tác tại khoa Gây mê hồi sức. Chúng tôi đồng cảm với những ca trực đêm, những lần căng thẳng chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân. Gặp nhau nhờ bệnh nhân, thanh xuân gắn bó với bệnh viện!", điều dưỡng Lâm Minh Khánh Hoàng vui vẻ kể.
Bài học từ biến cố và sự thấu cảm với bệnh nhân
Không ít lần, điều dưỡng Khánh Hoàng bị phản ứng mạnh từ người bệnh và thân nhân. Nhất là trong tình huống cấp cứu, quá tải, người bệnh phải chờ lâu hoặc phải hoãn các ca bệnh chương trình. Ngày mới vào nghề, anh chỉ biết nén cảm xúc, tự nhắc mình làm tròn bổn phận.
Chỉ đến khi biến cố ập đến, cha mắc bệnh ung thư, anh mới ngộ ra tâm trạng hoang mang, lo lắng của người bệnh. Chính từ biến cố ấy, anh biết kiên nhẫn hơn, đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm và chia sẻ.
Với trải nghiệm và tận tâm, điều dưỡng Khánh Hoàng hiện là người hướng dẫn cho các lớp điều dưỡng trẻ. Anh còn tiên phong trong công tác quản lý và cải tiến chất lượng tại Đơn vị Can thiệp nội mạch.
Vừa qua, anh cùng đồng nghiệp xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến giúp tối ưu quy trình hành chính tại đơn vị.
Theo TS-BS Trần Hoà, những cải tiến này đã góp phần nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp tại Đơn vị Can thiệp nội mạch - một trong những nơi “đầu sóng, ngọn gió” của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Còn với điều dưỡng Khánh Hoàng, điều dưỡng không chỉ là công việc mà còn là hành trình không ngừng học hỏi vì người bệnh.