Bộ Y tế nêu rõ, từ tháng 5-2022 tới nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 26-9, thế giới nghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (132 ca), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2)… và một số quốc gia khác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.
Đặc biệt, các địa phương cần phải đẩy mạnh thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế; Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy; Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.
Trong trường hợp ghi nhận trường hợp bệnh khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương đồng như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.
Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu nên có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, kể từ đó bệnh đậu mùa khi ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi. Tuy nhiên, đầu năm 2022 tới nay, WHO cho biết, thế giới đã ghi nhận nhiều ca mắc mắc đậu mùa khỉ. |