Hôm nay, các trung tâm cảnh báo bão và thiên tai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thông tin, áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Thái Bình Dương mạnh lên thành bão có tên quốc tế được đặt theo tên Việt Nam là “Vamco” (Vàm Cỏ).
Trưa nay 10-11, tâm bão Vamco ở khoảng 13,5 độ vĩ Bắc – 128,6 độ kinh Đông. Cơn bão này di chuyển hướng Tây Tây Bắc, vận tốc 15km/giờ.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương, sáng nay 10-11 để ứng phó bão số 12 và chuẩn bị ứng phó bão số 13, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đã thông tin bước đầu về cơn bão số 13 này.
Theo TS Mai Văn Khiêm, cơn bão Vamco (số 13) có hoàn lưu rất rộng, khi vào Philippines có thể lên tới cấp 13, còn khi vào Biển Đông có thể đạt cấp 12, giật cấp 15.
“Dự báo sáng 12-11, bão Vamco sẽ đi vào Biển Đông”, TS Mai Văn Khiêm thông tin.
Hiện tại cơ quan khí tượng vẫn đang tiếp tục theo dõi “song nhận định ban đầu thì cơn bão số 13 là bão tương đối mạnh”, TS Mai Văn Khiêm nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải nhanh nhất đến nơi sạt lở, không thể chờ 2-3 ngàySáng nay 10-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ ứng phó cơn bão số 12 và chuẩn bị ứng phó bão số 13. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sẵn sàng, chủ động ứng phó với hai cơn bão liên tiếp. Ảnh: PHẠM NGỌC HÀ Nhắc lại cơn bão số 9 và các cơn bão vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nhờ chủ động ứng phó, sơ tán hàng trăm nghìn người dân nên chúng ta đã giảm được thiệt hại. “Nếu chúng ta không sơ tán người dân ở những ngôi nhà cấp 4 trong đợt bão vừa rồi thì thương vong rất lớn”, Phó Thủ tướng nói. Trước dự báo cơn bão số 12 sẽ gây mưa rất lớn ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục lên kế hoạch, chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đề cập cơn bão số 13 sắp vào Biển Đông, dự báo sẽ gây thiệt hại rất nặng nề nếu chúng ta chủ quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng biên phòng, giao thông, hàng hải, Tổng cục Thủy sản… phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ khu vực tránh trú của tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, đảm bảo an toàn cho tất cả người dân. Theo Phó Thủ tướng, phải có biện pháp quản lý ngay các tàu thuyền đã vào nơi tránh trú, nếu hết bão số 12 lại ra khơi ngay sẽ rất nguy hiểm do bão số 13 đang vào Biển Đông. “Tập trung quản lý tàu thuyền đã vào nơi neo đậu và chuẩn bị ứng phó cơn bão số 13”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Trên đất liền, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát, chuẩn bị kế hoạch sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm để tránh cơn bão số 12 và số 13, đặc biệt là tại khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Phó Thủ tướng cũng đề nghị, tập trung bảo vệ an toàn hồ đập, hồ đập có an toàn thì hạ du mới an toàn. Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại chất lượng các hồ đập. Để phòng ngừa các sự cố có thể lặp lại như bão số 9, Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tập trung lực lượng cứu hộ cả trong và ngoài quân đội, huy động lực lượng liên ngành như công an, hàng hải… “Rút kinh nghiệm vừa rồi, các quân khu, quân đoàn đóng trên địa bàn phải cơ động, phải nhanh nhất đến được nơi bị sạt lở” – theo Phó Thủ tướng, cần phải phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” vì khi sự cố xảy ra thì cần phải ứng cứu nhanh, không thể chờ 2-3 ngày. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần đề phòng nguy cơ sạt lở đất tại các tuyến đường bộ khi triển khai đi cứu hộ cứu nạn vì các tuyến đường hiện nay xẻ núi cao băng vực sâu rất nguy hiểm. |