Nếu kể thì có hàng tá khó khăn, nhưng với họ - những người mang “nghiệp” hát bội - thì chỉ cần được sắm tuồng, xây chầu, ra bộ… là đủ cho một đời khóc cười với sân khấu.
Chuyện ông kép độc
Vãn tuồng cũng đã quá nửa đêm, ai nấy lau lớp son phấn cùng những giọt mồ hôi lã chã, xiêm y, áo mão được treo gọn một góc. Sau bức rèm nhung cũng là hậu trường, mạnh ai nấy kê chỗ nằm nghỉ, đời nghệ sĩ hát bội: ăn cơm đình, ngủ trong miễu hay sân chùa... có gì lạ nữa đâu mà câu nệ. “Cái nghiệp mang rồi, có chầu hát là vui hà”, chú Minh Được nói với tôi.
Theo nghề hát từ năm 14 tuổi, là kép độc trong đoàn, có tuồng “thét ra lửa” trên sâu khấu uy nghi, lộng lẫy nhưng với chú, “hát xong thì tạm quên hết, trở về làm ông bán kẹo kéo thôi, chứ đâu có làm vua, làm tướng hoài được”, chú Minh Được (62 tuổi, nghệ sĩ đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh) chia sẻ. Nhà ở Mỹ Tho (Tiền Giang), nhưng hễ trưởng đoàn thông báo có chầu hát ở đâu là hai cha con chở nhau tới.
Vỏ ca trong đình để dựng sân khấu, ngay sau bức rèm nhung là hậu trường.“Chỗ đình này (đình Thắng Tam, TP Vũng Tàu - PV) có vỏ ca rộng rãi cho cả đoàn, như vầy quá là sướng rồi, có miễu nhỏ phải ngồi giáp vòng với nhau để sắm tuồng”, chú Được kể. Những chầu hát ở miễu nhỏ, mặt trời rọi ngay sân khấu, kép chính hay kép phụ ai nấy ướt đẫm mồ hôi. Có chỗ đình chỉ vừa đủ dựng sân khấu, nghệ sĩ trong đoàn ai nấy khúm tạm cái lều phía ngoài để có chỗ sắm tuồng, ngả lưng.
“Có lần chầu hát ở Bình Dương, đêm đó ổng mưa quá xá, làm cái ào trôi hết đồ đạc ra đường, chạy theo lấy từng món…”. Cuộc trò chuyện với tôi dừng lại đôi chút, chú Được thở dài rồi lại cười: “Cái nghiệp rồi mà, mình mê thì mình chịu. Còn hát là còn vui, chứ có gì đâu mà than thở”.
Nói đoạn chú lại giở trong mấy túi xách cơ man là đồ nghề để sắm tuồng, nhưng quý hơn hết và được chú cất cẩn thận là hai cuốn sổ ghi tuồng và cách vẽ mặt nhân vật. “Cái này hồi mới vào nghề, học được tuồng nào ghi lại tuồng đó, rồi vẽ mặt nhân vật sao cũng ở trong này. Tui thì không quên rồi đó, vì nó ăn vào máu, mấy chục năm trời đứng trên sân khấu thì sao mà quên. Ghi lại để sau này tụi nhỏ có hỏi, mình có cái mà đưa ra. Không phải ai cũng biết hết mặt trong các tuồng để chỉ đâu, rồi chỉ không đúng vẽ không ra cái thần nhân vật, khán giả họ cười cho”.
Lo lắng của chú Được không sai, nhưng có lẽ còn xa lắm, bởi lớp trẻ như tôi cũng có được mấy người mặn mà với hát bội để hiểu hết đâu, mà biết là nghệ sĩ vẽ mặt đúng hay sai. Còn lớp trẻ theo nghề cũng vậy thôi, nếu không phải là nghề “cha truyền con nối” thì cũng không ai tự nguyện theo. Như đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh mà chú Được theo gần ba chục năm nay, lớp trẻ cũng là con cháu của nghệ sĩ trong đoàn, một đoàn hát cũng như một gia đình lớn.
Kiếp tằm mãi vương tơ
“Ngồi xuống đây ăn một bữa cơm, cho biết đời nghệ sĩ hát bội ăn cơm đình là sao hen”, cô trưởng đoàn hóm hỉnh. Bữa cơm của đám cúng đình đủ món mặn, món lạt nhưng đong đầy hơn cả là cái tình của một đoàn hát, những con người mang “nghiệp” hát bội, một lần ăn cơm tổ thì sống chết cũng theo nghề.
Gia đình truyền thống hát bội, được đào tạo bài bản và từng đi dạy, nhưng nặng lòng hơn hết với cô Ngọc Khanh là tìm cách để duy trì đoàn hát bội tuồng cổ. Lập đoàn năm 1991, được 2 tháng thì cô bán luôn căn nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM). “Trước đó thì vàng đeo đỏ tay, mà lập đoàn được 2 tháng thì bán hết đồ đạc trong nhà, bán cái bàn máy may rồi có cái đồng hồ gõ boong boong cũng bán luôn để lấy tiền phát cho anh em”, NSƯT Ngọc Khanh (67 tuổi, Trưởng Đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh) kể lại.
Có lẽ say mê tiếng trồng chầu từ nhỏ, nên hát bội với cô Khanh đã thành một cái nghiệp. Sau bức rèm nhung, cô Khanh theo dõi nghệ sĩ trong đoàn biểu diễn, kể chuyện đời hát bội với tôi, cô lại cười trừ: “Đắng cay phải chịu, nhọc nhằn phải mang”. Ăn cơm tổ thì theo nghề và với cô Khanh theo nghề thì thương luôn cái nghề lẫn nghệ sĩ.
Trưởng đoàn như cô cũng kiêm luôn công việc may trang phục biểu diễn, để có thể tiết kiệm. “Nghệ sĩ hát bội bây giờ còn ít lắm, mà họ cũng lớn tuổi hết rồi, còn hát được bao nhiêu nữa đâu. Mấy chục năm người ta cùng mình lăn lộn hết đình này tới miễu kia, nên bây giờ còn sức ngày nào thì ráng ngày đó lo chầu hát cho anh em”, NSƯT Ngọc Khanh chia sẻ.
Cũng bởi không muốn một người hát hai - ba vai, vì đã không làm thì thôi, làm phải đâu ra đó, nên Đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh có thể nói là đoàn hát bội tư nhân đông nhất nhì hiện nay ở Nam bộ, hơn 30 người. Lớp trẻ trong đoàn cũng là con, cháu nội, cháu ngoại hay cháu cố của mình, hoặc con cháu của các nghệ sĩ trong đoàn, NSƯT Ngọc Khanh cũng ngậm ngùi: “Muốn có người trẻ nối nghề lắm chứ, nhưng mà đâu có dám đèo bồng, vì nghề hát bội quá trắc trở. Bây giờ, chỉ dám truyền lại cho con cháu mình thôi, tại thấy tụi nó cũng mê như mình hồi xưa mê theo ba má làm đào hát bội, nên mới dám dạy lại, chứ không có ép tụi nhỏ”.
Và cũng đã qua lâu rồi cái thời “Hát bội làm tội người ta”, sân đình dịp lễ Kỳ Yên cũng không mấy khán giả còn chịu ngồi nghe hết một tuồng hát bội, khán giả trẻ lại càng hiếm. Nhưng còn làm được gì cho hát bội thì cô Khanh lại hết lòng. Từ những buổi nói chuyện với sinh viên ở các trường đại học, hay các nhóm bạn trẻ có tâm với hát bội mời, cô Khanh cũng sẵn lòng tham gia trò chuyện, tìm hiểu về tuồng tích, điệu bộ sân khấu… “Đào tạo trước hết là đào tạo khán giả, người ta có hiểu, có thích hát bội thì coi mới thấy hay được”, NSƯT Ngọc Khanh bày tỏ.
Sau bức rèm nhung có người bán kẹo kéo, chạy xe ôm, thêu áo, làm giày, làm tóc giả... để mưu sinh, nhưng có vất vả, gian nan thế nào thì bước lên sân khấu cũng phải thật đẹp. Làm nghệ sĩ mà không có đồ đẹp thì cũng khó hát lắm, bước ra sân khấu phải cân đai áo mão chỉnh tề hết mới được. Nên đi chỗ nào là đoàn thuê xe tải nhỏ chở theo đồ cho anh chị em trong đoàn, cũng có người tiền hát được bao nhiêu thì dành dụm mua trang phục hết, cũng bởi mê hát bội mà ra.
Ở cái tuổi cần sự nghỉ ngơi hơn là lo ngược lo xuôi, nhưng không chỉ cô Khanh mà nhiều nghệ sĩ trong đoàn không bao giờ có chuyện bỏ nghề. Dường như sân khấu và hát bội với họ là một điều gì đó rất thiêng liêng và có sức hút đến lạ.
Chuyện thịnh suy ở đời cũng là lẽ thường tình, hát bội không còn thịnh là điều biết trước, nhưng cô Ngọc Khanh vẫn tâm niệm: “Bây giờ, khán giả nghe có thích hay không thích thì tùy mỗi người, nhưng mình cứ hát để sau này còn có cái lưu truyền mà kể lại cho con cho cháu về tục hát chầu cúng đình, cúng miễu của ông bà”.
Mấy mươi năm theo nghề, như NSƯT Ngọc Khanh có thể nói là một đời hát bội. Cô thừa hiểu vinh hoa luống những đoạn trường của nghiệp làm đào, làm kép… Nhưng có lẽ, đã một lần ăn cơm tổ, thì kiếp tằm cứ mãi vương tơ.
Đào, kép chính trong đoàn mỗi suất hát được khoảng 500.000 - 600.000 đồng, còn lại tùy theo các vai, thấp nhất là 350.000 đồng. “Ráng chia cho anh em ít nhất cũng 500.000 đồng, chứ không để 350.000 đồng vì ai cũng ở xa, còn tiền xăng xe nữa. Nghề hát bội thì theo mùa Kỳ Yên hoặc vài tháng cuối năm, chứ còn lại phải nghỉ, nên đoàn ráng nhín nhút để anh em ai cũng được trả tiền cao một chút”, NSƯT Ngọc Khanh trăn trở. |