Ngày 27-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định về việc tăng cường phòng chống bệnh cúm sau khi địa phương này ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A (H1N1).
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Bình Định tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tiến hành phân tích tỷ lệ các trường hợp nặng, tử vong do bệnh cúm; báo cáo công tác giám sát cúm, nhất là làm rõ kết quả giám sát viêm phổi nặng do virus để cho thấy thực trạng tình hình nhiễm và tử vong do bệnh cúm tại tỉnh Bình Định; báo cáo những vấn đề bất thường về bệnh cúm tại địa phương gửi Bộ Y tế trước ngày 29-11.
Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh Bình Định đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Cùng với đó tăng cường các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh, nhấn mạnh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải tuân theo chỉ định của cán bộ y tế.
Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho virus gây bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là cúm mùa. Qua giám sát, 4 trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) ở Bình Định liên quan đến chủng cúm A/H1pdm và đây là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm). Bệnh cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Cùng với cúm A/H1N1 còn có các chủng virus cúm khác gây bệnh cúm mùa, gồm: cúm A (H3N2), cúm B và cúm C.