Chiều 9-8, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Nhà Quốc hội.
Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến KHĐTCTH vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).
Qua thẩm tra tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Phú Cường cho biết, tại tờ trình 256 và tờ trình 17, Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến trước khi giao KHĐTCTH đợt 3 là 100.426 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn còn lại Chính phủ chưa trình UBTVQH cho ý kiến (sau đợt 3 này) là 355.483 tỷ đồng.
“Đa số ý kiến Ủy ban TC-NS cho rằng, sau hơn 1 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tiến độ giao vốn là chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện KHĐTCTH. Đề nghị Chính phủ quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ hết số vốn còn lại theo quy định”, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.
Người đứng đầu Ủy ban TC-NS đề nghị, việc phân bổ, giao vốn KHĐTCTH đối với số vốn còn lại cần thực hiện trước 31-12-2022, sau thời hạn trên, chuyển toàn bộ số vốn còn lại vào dự phòng chung để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Cũng theo ông Cường, có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc giao vốn chậm, đồng thời đề nghị kiên quyết cắt giảm toàn bộ số vốn đến nay chưa phân bổ, điều chuyển cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, còn thiếu vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025.
Về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phân bổ, bố trí kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3), Ủy ban TC-NS đề nghị tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết 29 của Quốc hội, Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 của UBTVQH.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị lưu ý việc thay thế dự án trong danh mục phải là các dự án thực sự cần thiết, đã đủ thủ tục đầu tư và bảo đảm không vượt tổng số dự án, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực Quốc hội đã quyết nghị cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Nghị quyết số 29; việc bố trí vốn cho các dự án thay thế, các dự án điều chỉnh bổ sung phải tập trung để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Đối với các địa phương, thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị quyết 29. Chính phủ chịu trách nhiệm về hiệu quả và sự cần thiết phải đầu tư cho các dự án này.
Về bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đã có trong danh mục KHĐTCTH có tiến độ và khả năng giải ngân tốt, các dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Đối với dự án khởi công mới, phải là dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đã ký kết hiệp định vay và triển khai trong giai đoạn 2022-2025.
Về điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cần đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và phải đảm bảo mục tiêu, hiệu quả dự án; trường hợp bố trí vốn cho các dự án mới chưa có trong danh mục dự án đã báo cáo Quốc hội phải là các dự án thực sự cần thiết, cấp bách.