Sau 2 ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực: Vi phạm vẫn phổ biến

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1-1-2020; theo đó, thông điệp “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” chính thức được luật hóa. Ghi nhận của PV Báo SGGP tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, sau 2 ngày thực hiện luật, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Trong khi đó, công tác triển khai xử phạt, áp dụng quy định mới trong xử lý ở nhiều địa phương, đơn vị chức năng còn lúng túng…

Chưa thay đổi thói quen

Gần trưa 2-1, các nhà hàng lớn trên đường Vành Đai Trong (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM) bắt đầu đông khách. Tại các bàn nhậu, nhiều người vẫn bàn tán về quy định mới trong xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Có người nửa đùa nửa thật: “Nay tôi uống 2 chai rồi đi về, không ai được ép nhé”.

Một số người khác cho biết, để không bị phạt nặng và đảm bảo an toàn cho tính mạng, hôm nay đi nhậu bằng xe Grab (dịch vụ xe ôm công nghệ). Điều này cho thấy thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe” ít nhiều có chuyển biến tích cực sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. 

Dù vậy, ghi nhận trên nhiều tuyến đường tại TPHCM như Vành Đai Trong, Tên Lửa (quận Bình Tân), Phạm Thế Hiển, Phạm Hùng (quận 8), Trần Phú (quận 5), Thành Thái nối dài (quận 10)…, chúng tôi thấy vi phạm vẫn diễn ra tràn lan.

Sau 2 ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực: Vi phạm vẫn phổ biến ảnh 1 Kiểm tra nồng độ cồn một tài xế. Ảnh: TUẤN VŨ

Tại một nhà hàng ở quận Bình Tân, lúc 15 giờ 30 ngày 2-1, nhiều người sau khi uống rượu bia, mặt đỏ sần, bước thấp bước cao vẫn vô tư chạy xe rời quán. Quan sát ở nhà hàng trên chỉ trong nửa giờ, đã có hơn chục trường hợp điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Trong số những trường hợp vi phạm, phần lớn là người điều khiển xe máy, số ít điều khiển ô tô.

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 2-1 tại một số khu vực có nhiều quán nhậu ở nội thành Hà Nội, cho thấy những quy định trong 2 chế tài trên đã ít nhiều có tác động tích cực tới người dân.

Một số quán bia hơi có quy mô lớn tại Hà Nội đã phần nào bớt khách đi xe hơn thường lệ, lượng người uống bia giảm. Ngược lại, tại các quán bia có quy mô nhỏ, trung bình, số lượng người nhậu buổi trưa không hề giảm. 

Tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, những thay đổi trong thói quen sử dụng phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn chưa có nhiều sự thay đổi. Tại các quán ăn, nhà hàng khu vực trung tâm TP Đà Lạt, người dân vẫn lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển sau khi sử dụng rượu, bia.

Khi được hỏi về nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ông L.T.H, chủ quán lẩu trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP Đà Lạt, cho biết: “Thực khách đến quán ăn, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện để ra về, đây là thói quen từ lâu sẽ phải mất nhiều thời gian để người dân thay đổi. Tôi nghĩ sắp tới, nếu xử lý nghiêm các hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia sẽ không ảnh hưởng tới lượng khách đến quán vì nhu cầu ăn uống, giao lưu của người dân lúc nào cũng có, chỉ cần thay đổi thói quen thì sớm muộn mọi thứ sẽ ổn định”.

Ghi nhận thực tế vào chiều ngày 2-1, trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vẫn xuất hiện nhiều xe máy, xe ô tô đậu tại các bãi xe của nhiều quán nhậu, quán ăn gia đình, nhà hàng... Bảo vệ của một quán nhậu trên đường 30-4 chỉ về bãi xe cho biết, số xe trong bãi đa phần là xe của khách đến quán, chỉ một số ít là xe nhân viên.

Hầu hết khách đến quán nhậu đều đi xe cá nhân, chỉ một số rất ít đi taxi. Thông thường khách vẫn dùng xe của mình để đi về, chỉ một vài khách khi đã say bí tỉ thì mới gọi taxi về nhà.

Kết hợp xử phạt và tuyên truyền

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC08) - Công an TPHCM cho biết, đơn vị đã triển khai cho các đội cảnh sát giao thông (CSGT) trực thuộc áp dụng xử phạt các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới (thi hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia) từ khuya 31-12-2019.

Tính đến chiều 2-1-2020, các đội của Phòng PC08 đã kiểm soát 264 trường hợp, lập 136 biên bản vi phạm. Phần lớn các trường hợp vi phạm là người điều khiển phương tiện xe máy. Từ nay đến trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, Phòng PC08 - Công an TPHCM sẽ lập chuyên đề, bố trí chốt kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tại các cửa ngõ thành phố, khu vực có nhiều quán ăn - nhà hàng, trước các bến xe - nhà ga… 

Sau 2 ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực: Vi phạm vẫn phổ biến ảnh 2 Cảnh sát giao thông TPHCM kiểm tra nồng độ cồn một người điều khiển phương tiện.
Ảnh: TUẤN VŨ
Ngày 2-1, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội đã ra quân theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100. Tổ tuần tra kiểm soát giao thông chia thành những tốp nhỏ trên đường để phát hiện, xử lý những phương tiện, đối tượng có dấu hiệu uống rượu bia. Trong buổi chiều, lực lượng chức năng đã xử lý một số trường hợp người đi xe máy, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì bị yêu cầu dừng xe và đo nồng độ cồn.

Có trường hợp chủ phương tiện có kết quả nồng độ cồn là 0,489mg/lít khí thở. Với lỗi này, theo quy định mới nhất, chủ phương tiện bị phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Trong khi đó, Đội 3 (Cục CSGT, Bộ Công an) cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn vào tối ngày 1-1, tài xế Lê Khắc T. điều khiển xe ô tô BSK 29C-45... có nồng độ cồn 0,719mg/lít khí thở, bị phạt 35 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng.

Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Đà Lạt, cho biết, khoảng 19 giờ 30 phút cho đến khuya hàng ngày, lực lượng CSGT sẽ lập chốt tại các tuyến đường có nhiều phương tiện qua lại, gần quán bar, nhà hàng để xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời cũng kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu do Nghị định 100/2019/NĐ-CP vừa được ban hành, nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ.

Theo thông tin từ Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Bình Thuận, từ ngày 31-12-2019 đến nay, lực lượng CSGT trên địa bàn đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình nhằm tuyên truyền, phổ biến tới người dân về Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, ngành chức năng đã thành lập nhiều chốt kiểm tra, đo nồng độ cồn tại các khu vực tập trung đông khu dân cư, có nhiều quán nhậu.

“Trong những ngày đầu thực hiện công tác kiểm tra, ngành chức năng địa phương chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở những trường hợp lái xe có nồng độ cồn trong máu ở mức độ thấp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp lái xe có nồng độ cồn trong máu quá cao, có biểu hiện lái xe không an toàn, mất kiểm soát thì chúng tôi lập biên bản để xử phạt vi phạm hành chính”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo CSGT các đơn vị, địa phương tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

CSGT sẽ mở chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy; kiểm tra xe ô tô đầu kéo sơmi rơmoóc, xe ô tô chở khách và phương tiện thủy chở khách ngang sông, dọc sông, chở người đi lễ hội, vui chơi giải trí, tham quan du lịch, tàu cao tốc...

Đặc biệt, tập trung xử lý nghiêm các hành vi người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và có nồng độ cồn quá mức cho phép.

Lúng túng áp dụng quy định mới

Công an một số quận huyện tại TPHCM như quận 2, 8, Thủ Đức… cho biết dù Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có hiệu lực, nhưng đến nay các đơn vị vẫn lúng túng trong triển khai, chờ hướng dẫn của đơn vị cấp trên mới áp dụng trong xử phạt. Một trong những bất cập là quy định mức phạt trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP cao hơn so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tuy nhiên hiện nay mẫu biên bản cho mức phạt mới chưa được ban hành.

Lập mô hình “Đưa khách về nhà theo yêu cầu”
Hưởng ứng thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, những ngày qua, nhiều chủ quán, nhà hàng tại TPHCM thành lập mô hình “Đưa khách về nhà theo yêu cầu”. Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ hệ thống nhà hàng Nhất Nướng Sài Gòn, cho biết, từ ngày 2-2, nhà hàng sẽ cung cấp dịch vụ đưa khách đã sử dụng rượu, bia về nhà khi có nhu cầu. Theo đó, tùy vào lượng khách và quãng đường đi của khách, nhà hàng sẽ bố trí phương tiện hợp lý, hoặc xe gắn máy, hoặc ô tô để đưa rước. Giá đưa rước cũng được tính như giá của các hãng xe taxi. Trường hợp khách đi ô tô đến nhà hàng sử dụng rượu bia, nhà hàng cũng có tài xế lái xe chở khách về. Tài xế lái xe đưa rước khách của nhà hàng đương nhiên phải hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.

Rượu bia - tác nhân gây ung thư

Lạm dụng rượu, bia không chỉ gây ra các vụ tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Thống kê cho thấy, cứ 100.000 nam giới Việt Nam thì có 39 người mắc ung thư gan, đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mông Cổ và Ai Cập. Đây cũng là loại ung thư phổ biến nhất ghi nhận được tại Việt Nam với hơn 25.000 ca mới mắc và tử vong mỗi năm có nguyên nhân chủ yếu là do lạm dụng rượu bia gây ra. Trong khi đó, Viện Chiến lược và Chính sách y tế chỉ rõ, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 ở nước ta. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 4.800 người liên quan đến rượu, bia. Còn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam ước tính chiếm hơn 36% ở nam giới và gần 1% ở nữ giới và khoảng 70% số vụ phạm pháp hình sự có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu, bia ở nhóm dưới 30 tuổi.

                                     GS-TS TRẦN VĂN THUẤN, Giám đốc Bệnh viện K

Phải thay đổi ý thức người dân
Những ngày qua, đọc báo, xem ti vi, thấy Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1-1-2020, mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia được tăng lên, tôi rất phấn khởi. Tin rằng với quy định mới này, tai nạn giao thông sẽ giảm, những cái chết oan uổng do người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra sẽ hạn chế.
Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia mới có hiệu lực 2 ngày nhưng người dân đã quan tâm, bàn luận nhiều về vấn đề này; không ít “con sâu nhậu” cũng bắt đầu dè dặt mỗi khi đến quán nhậu và ra về. Điều này cho thấy bước đầu những thói quen xấu, những vi phạm thường ngày liên quan đến rượu bia, giao thông đã có chuyển biến. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, việc sử dụng rượu bia trong những dịp lễ tết, đoàn tụ gia đình, bàn công việc cùng đối tác, hoặc thậm chí vui buồn cũng “nhậu” đã thành nếp, ăn sâu trong sinh hoạt của mỗi người dân. Do đó, để thay đổi được thói quen, nếp sinh hoạt không lành mạnh này, đặc biệt để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thực sự đi vào cuộc sống, tôi nghĩ các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quyết liệt thực thi pháp luật, phải tuyên chiến với hành vi vi phạm, tránh “đầu voi đuôi chuột” trong cách làm dẫn đến “lờn luật”.
Cùng với các biện pháp chế tài, tôi nghĩ điều cần làm hơn cả hiện nay là phải thay đổi được ý thức của người dân. Muốn được vậy, cần lắm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội và trong mỗi gia đình. Nếu một người vi phạm, nhiều người nhắc nhở, phản bác, lên án, chắc chắn người vi phạm sẽ thay đổi được thói quen xấu, hành vi vi phạm.
                                               PHẠM TUẤN KIỆT, ngụ tại quận 8, TPHCM

Tin cùng chuyên mục