Theo đó, trong công văn gửi các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương, E, Đại học Y Hà Nội, Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine Covid-19 của Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện thực hiện khám sàng lọc theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid -19 của AstraZeneca ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18-3 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine Covid-19 theo các hướng dẫn chuyên môn như: Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine Covid-19; Bố trí đơn nguyên sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị người bệnh gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine trong thời gian bệnh viện tổ chức tiêm vaccine. Đặc biệt, khi có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, các bệnh viện phải khẩn trương tổ chức cấp cứu theo hướng dẫn trên, đồng thời báo cáo Bộ Y tế và liên hệ hội chẩn trực tuyến đặc thù trong trường hợp cần thiết.
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã thực hiện tiêm vaccine đợt 1 và 2 được 892.454/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt tỷ lệ 97%. Đối tượng được tiêm chủng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội.
Trong quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đã có 2 trường hợp bị sốc phản vệ, trong đó có một nữ nhân viên y tế (35 tuổi, ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu) tử vong. Trường hợp còn lại là một nữ điều dưỡng (31 tuổi của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) đang được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng.