Sáng 12-11, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức chương trình Gala kỷ niệm 15 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc vận động trong việc khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt, đồng thời thúc đẩy sản xuất hàng Việt có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ trưởng đánh giá, sau 15 năm triển khai, cuộc vận động đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự tham gia đồng bộ từ các bộ ngành, đặc biệt là sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc phát triển thị trường nội địa, củng cố năng lực cạnh tranh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo Bộ Công thương, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các kênh phân phối hiện nay đạt hơn 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập siêu đã giảm, Việt Nam duy trì xuất siêu từ năm 2016 đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2009-2023 liên tục tăng trưởng trên dưới 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm đáng kể, từ mức lạm phát cao 19,8% năm 2008 xuống dưới 5% kể từ năm 2014.
Bộ Công thương cũng cho biết, cuộc vận động đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt cải tiến chất lượng, đổi mới công nghệ sản xuất và xây dựng thương hiệu, giúp hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng và uy tín. Tỷ lệ sử dụng hàng hóa và dịch vụ Việt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 63,3% vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 12,4% năm 2010. Cùng với đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng trưởng nhanh, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh đáng kể, đứng thứ 30 thế giới vào năm 2021.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu nhận định, Bộ Công thương đã quyết liệt trong lãnh đạo và phối hợp với các ban ngành để triển khai cuộc vận động, tạo được mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, góp phần nâng cao vị thế hàng Việt Nam và giữ vai trò nòng cốt đến ngày nay.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp (WinCommerce) thuộc Tập đoàn Masan cho biết, sau khoảng 10 năm hình thành, đến nay toàn bộ hệ thống của WinCommerce đã xây dựng được 133 siêu thị, gần 4.000 cửa hàng tiện ích ở khắp 62/63 tỉnh và thành phố (mục tiêu là khoảng 8.000 điểm bán).
Bằng việc đầu tư, góp phần phát triển hạ tầng thương mại từ thành thị đến nông thôn trên khắp cả nước, bà Nguyễn Thị Phương cho rằng, đây chính là cách để đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp sản xuất phát triển thương hiệu và gia tăng giá trị.
“Chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm lên quầy kệ, nhưng sản phẩm có đứng được trên quầy kệ hay không là do chính các doanh nghiệp”, bà Phương nói và cho biết, thực tế đến thời điểm này, 90% sản phẩm là hàng Việt Nam đã và đang đứng trên quầy kệ. “Đó là con số biết nói, rằng người Việt đang rất tin tưởng và ưu ái hàng Việt”, đại diện WinCommerce nói.
Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ Công thương tiếp tục củng cố Ban Chỉ đạo chương trình hành động, nâng cao chất lượng hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Nhấn mạnh việc cần đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để tạo đột phá, nâng cao chất lượng, uy tín hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có FTA, Phó Thủ tướng cũng khuyến khích Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Về phía doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị chú trọng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối nhằm đem lại sản phẩm tốt nhất với giá cạnh tranh cho người tiêu dùng.