Chưa tăng giá khám chữa bệnh
Tại BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), mỗi ngày có từ 700-800 lượt bệnh nhân KCB theo yêu cầu, chiếm khoảng 25% tổng lượt khám ngoại trú tại BV. Giá khám dịch vụ thông thường là 150.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng/lượt nếu khám bởi PGS, TS, chuyên gia từ các BV lớn và trường y trong thành phố.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV cho biết, hiện chưa điều chỉnh tăng giá vì cần đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ trước để tăng uy tín, tiện ích phục vụ bệnh nhân. “Sau đại dịch Covid-19, người dân còn nhiều khó khăn. Khám theo yêu cầu là tự nguyện, nhưng chúng tôi lấy chất lượng làm đầu, do đó chưa tính toán tăng giá. Có thể 1-2 năm sau chúng tôi điều chỉnh tăng thêm 10%-15%”, bác sĩ Trần Văn Khanh thông tin.
Người dân chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh chụp sáng 23-8-2023. Ảnh: CAO THĂNG |
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết, hiện đơn vị vẫn áp giá cũ, chưa có chủ trương tăng và chỉ tăng giá KCB sau khi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phù hợp. Trong bối cảnh nhiều khoa còn quá tải, BV không tăng giường dịch vụ nhưng vẫn đầu tư nâng cấp để vừa phục vụ bệnh nhân có điều kiện, vừa đảm bảo chi phí cho BV hoạt động, phát triển.
Còn tại BV Đa khoa Sài Gòn, bác sĩ Mai Đức Huy, Phó Giám đốc BV, cho biết, đơn vị có quy mô 250 giường bệnh. Trong đó, khoảng 10% bệnh nhân KCB theo yêu cầu và khoảng 12% giường bệnh nội trú là giường dịch vụ. Hiện BV chưa điều chỉnh giá KCB dịch vụ.
Tại BV Chợ Rẫy - đơn vị tuyến cuối của Bộ Y tế tại các tỉnh phía Nam, hiện có khoảng 150 giường dịch vụ trên tổng số hơn 3.200 giường bệnh, tỷ lệ gần 5%. Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Chợ Rẫy, cho biết, BV không đủ không gian, vị trí để mở nhiều phòng dịch vụ và từ trước đến nay, BV chủ trương hạn chế giường dịch vụ vì lượng bệnh nhân khó khăn từ các tỉnh đến KCB rất đông.
Nhiều giá dịch vụ giảm mạnh
Tại BV Việt Đức, hàng ngày, lượng bệnh nhân sử dụng dịch vụ KCB theo yêu cầu chiếm 30%-40% số người KCB. Để tạo thuận lợi cho người dân chọn lựa các dịch vụ, bảng giá KCB theo yêu cầu được niêm yết công khai trên website của BV. Hầu hết trong số 1.478 dịch vụ KCB theo yêu cầu của BV có giá bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định.
Theo TS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Việt Đức, giá KCB theo yêu cầu áp chung là 500.000 đồng/lần khám, không phân biệt mức khám bác sĩ, chuyên gia như trước. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ khác lại giảm mạnh như giá tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng còn 46.000 đồng; giá siêu âm giảm từ 300.000 đồng còn 196.000 đồng, siêu âm tim từ 500.000 đồng còn 380.000 đồng...
Đặc biệt, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao theo yêu cầu cũng được điều chỉnh giảm giá khá sâu như: điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp hoặc cộng hưởng từ từ 13 triệu đồng còn gần 2,4 triệu đồng/lượt; chụp cắt lớp vi tính trên ổ bụng giảm từ 5,6 triệu đồng còn gần 2,4 triệu đồng/lượt; phẫu thuật bắc cầu thiếu máu mãn tính từ 43 triệu đồng còn gần 13 triệu đồng; phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ - động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh từ 61 triệu đồng còn hơn 37 triệu đồng/lượt…
Tại BV Tai mũi họng Trung ương, đơn vị này vẫn đang áp dụng mức giá KCB theo yêu cầu từ 250.000-500.000 như trước khi có Thông tư 13. Ông Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương, cho biết, mỗi ngày BV thăm khám khoảng 800-900 bệnh nhân, cao điểm gần 1.000 bệnh nhân, khoảng 1/3 trong số này là khám theo yêu cầu. Do đó, BV đang tiếp tục nghiên cứu Thông tư 13 để triển khai thực hiện phù hợp.
Theo một số chuyên gia, việc giá nhiều dịch vụ theo yêu cầu tại một số cơ sở y tế giảm nhiều so với mức trần hoặc thấp hơn giá trần của Thông tư 13 là do trước đó, khi xây dựng giá, các BV đã tính đủ các yếu tố cấu thành khi thực hiện dịch vụ và sử dụng những vật tư tốt nhất. Cùng với đó, còn do nhu cầu của người bệnh muốn lựa chọn chuyên gia thực hiện dịch vụ, nhất là tại các BV tuyến cuối, BV đầu ngành, nên mỗi BV có khung giá KCB theo yêu cầu khác nhau.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh dịch vụ tại Bệnh viện Thống Nhất |
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, để có hành lang pháp lý cho hoạt động KCB theo yêu cầu, đáp ứng KCB theo yêu cầu của nhân dân, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13 hướng dẫn hoạt động KCB theo yêu cầu trong điều kiện giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ.
Tuy nhiên, Bộ Y tế nêu rõ, các cơ sở KCB chỉ được dành không quá 20% trên tổng số giường của BV để triển khai KCB theo yêu cầu để tránh lạm dụng việc chuyển bệnh nhân KCB BHYT sang khu vực theo yêu cầu. Điều này cũng đảm bảo tính phục vụ của bệnh viện công lập, tránh lạm thu của người bệnh.
Bệnh viện K bác bỏ thông tin viện phí do một số cán bộ y tế tự quyết
Ngày 23-8, trước một số video clip đang lan truyền trên mạng xã hội về việc người bệnh khi đi KCB tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) phải trả viện phí theo sự quyết định của một số cán bộ y tế, đại diện Bệnh viện K đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, phụ trách Phòng Công tác xã hội Bệnh viện K, cho biết, bệnh viện có 3 cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội, thực hiện giá viện phí theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tại các cơ sở của Bệnh viện K luôn có bảng giá dịch vụ được in biểu bảng ngay ở khu vực tiếp đón các khoa khám bệnh, ở vị trí thuận tiện giúp người bệnh dễ dàng trong việc lựa chọn dịch vụ KCB.
Do đó, việc thông tin cán bộ y tế tự quyết định giá dịch vụ và mức thu là thông tin hoàn toàn không chính xác. Đại diện Bệnh viện K cho biết thêm, sau khi video clip được đăng tải trên mạng xã hội, ban lãnh đạo bệnh viện đã họp các đơn vị liên quan, yêu cầu tất cả cán bộ y tế đảm bảo thực hiện đúng quy trình KCB của bệnh viện ban hành.