Kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá, nhìn chung trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội TPHCM đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 6,6%; khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 34,7 triệu lượt hành khách, tăng 12,1%; 25.523 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,8% so với cùng kỳ; đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%; tổng doanh thu du lịch tăng 44%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 23,9%; sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 113,72 triệu tấn, tăng 3,85% so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù doanh thu du lịch và lượng khách quốc tế, nội địa trong 8 tháng đầu năm tăng cao, nhưng trong tháng 8 giảm 1,2% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TPHCM giảm 22%; khách nội địa giảm 6%.
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm giảm 15,3% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng giảm 12,4% vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 22.387 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 28,3%; thu hút FDI khoảng 1,96 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 19.133 tỷ đồng, chỉ mới đạt 28% kế hoạch vốn được giao, chưa đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định.
Cần tư duy đổi mới, đột phá trong lập quy hoạch
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng phiên họp kinh tế - xã hội TPHCM tháng 8-2023 cũng là thời điểm tròn một tháng Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực.
Thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều việc để cụ hóa Nghị quyết 98/2023/QH15. HĐND TPHCM đã ban ngành nghị quyết về bố trí vốn đầu tư công cho chương trình giảm nghèo bền vững. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, nội dung này rất có ý nghĩa, mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho người dân TPHCM, đặc biệt là người nghèo được thụ hưởng. Bên cạnh đó, HĐND TPHCM đã bố trí vốn ngân sách để triển khai dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng có quyết định thành lập 3 trung tâm mới theo Nghị quyết 98/2023/QH15 là: Trung tâm an sinh xã hội, Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư. HĐND TP Thủ Đức đã lập Ban Đô thị. Trong kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới, UBND TPHCM sẽ trình dự thảo nghị quyết về tổ chức cơ quan hành chính cho TP Thủ Đức. Đây là bước quan trọng để TP Thủ Đức có cơ chế hoạt động hiệu quả. UBND TPHCM sẽ tăng cường phân cấp cho chính quyền TP Thủ Đức ở nhiều lĩnh vực.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Nghị quyết 08 về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với 26 nhóm nhiệm vụ; Nghị quyết số 12 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 với 41 nhóm nhiệm vụ. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương, sở ngành tập trung cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Thành ủy đề ra tại hai nghị quyết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết hiện nay TP đang khẩn trương thực hiện công tác lập quy hoạch. Vừa qua, lãnh đạo TPHCM đã tổ chức khảo sát sông Sài Gòn và bay trực thăng để khảo sát quy hoạch TPHCM. Việc khảo sát đã giúp lãnh đạo TPHCM có cái nhìn tổng quan về quy hoạch TPHCM.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhìn nhận hiện trạng quy hoạch TPHCM còn lởm chởm, da beo, cần phải có tư duy đổi mới, đột phá trong tổ chức quy hoạch để sắp xếp lại không gian đô thị, không gian sản xuất, không gian công cộng và không gian xanh… Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở ngành, địa phương khi làm việc với đơn vị tư vấn quy hoạch phải nêu được định hướng, ý tưởng phát triển phù hợp.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng dù kết quả có cải thiện nhưng TPHCM vẫn nằm trong nhóm các địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 25-8, TPHCM mới chỉ giải ngân được 19.000 tỷ, đạt 28% chỉ tiêu giao. Đồng chí cho rằng không riêng giải ngân ở khâu giải phóng mặt bằng các dự án, mà tổng thể công tác giải ngân chung cũng chậm.
Với vướng mắc giải ngân trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí yêu cầu các địa phương, sở ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đeo bám, tháo gỡ từng dự án. Đồng thời, 4 ban quản lý dự án lớn có trách nhiệm giải ngân 70% vốn đầu tư gồm: Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình và công nghiệp phải quyết liệt triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ.
Về vấn đề thu ngân sách, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng kết quả thu đến nay chưa đạt yêu cầu đề ra. Các sở ngành phải tiếp tục thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rà soát lại kỷ cương trong thu chi, không để thất thoát nguồn thu. Trong đó phải đẩy mạnh các nguồn thu từ đất, việc này vừa tạo nguồn thu cho TPHCM vừa tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng có chỉ đạo liên quan đến phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội. Trong đó, đồng chí đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM nghiên cứu đề xuất phương án tuyển sinh phù hợp với TPHCM từ năm sau, đảm bảo nhu cầu học trường công của con em TPHCM; phát triển 4.500 phòng học mới.
“Không chỉ vậy, cần nghiên cứu việc miễn hoặc giảm học phí cho học sinh. Làm sao đến năm 2025, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM có thể miễn học phí cho học sinh phổ thông được không?”, đồng chí Phan Văn Mãi đặt vấn đề.
Tiếp tục chương trình bình ổn trước biến động giá cả
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo báo cáo của Cục thống kê, so với tháng 8-2022, các nhóm hàng tăng trên 10% giá gồm: lương thực, thực phẩm tăng 22%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 18%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 25%; xăng, dầu tăng 39%; đá quý, kim loại tăng 53%; sửa chữa xe có động cơ tăng 36%.
Trước tình hình giá cả biến động tác động ảnh hưởng đến người tiêu dùng, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã phát huy được vai trò trong việc bình ổn hàng hóa, hiện chỉ có 2 mặt hàng bình ổn tăng giá. Với những khu vực có đông người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên, Sở Công thương sẽ phối hợp với các quận huyện bổ sung các điểm bán hàng bình ổn.
Sớm vận dụng Nghị quyết 98 để tăng nguồn thu
Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Hồng thông tin về tình hình thu chi ngân sách. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 297.993 tỷ đồng, đạt 63,45% dự toán năm. Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Hồng cho rằng dự toán thu ngân sách năm 2023 TPHCM tăng 20% so với năm 2022 nhưng thu mới chỉ đạt 93,24% so với cùng kỳ. Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, ngành tài chính TPHCM phải theo dõi sát tình hình thu chi, triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, chống trốn thuế, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện để phát huy nhanh chóng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để tăng nguồn thu. Đồng thời, rà soát tăng nguồn thu từ đất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa dự án vào vận hành để tăng kích cầu tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường quản lý thuế với kinh tế đêm, kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và thương mại điện tử…