Đây là những chương trình trọng tâm nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Triển khai hội nghị thúc đẩy kết nối cung cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền tại các tỉnh để tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM là một trong các thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh/thành thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước giai đoạn 2023 – 2025.
Tại các hội nghị này, SATRA đã tiếp xúc, trao đổi, kết nối và tham quan nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và cơ sở sản xuất. Mục tiêu là giới thiệu những sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng, góp phần nâng tầm vị thế sản phẩm Việt. Qua đó, SATRA đã trao đổi, hướng dẫn các địa phương trong việc tiêu chuẩn hóa, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP; kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất để cung ứng nguyên liệu, sản phẩm cho hệ thống bán lẻ của mình.
Thế mạnh thương mại dịch vụ
Là một trong những doanh nghiệp chủ lực của TPHCM, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng chuyên sâu trong sản xuất, thương mại – dịch vụ với hơn 50 đơn vị thành viên và hơn 16.000 lao động.
Ngoài các đơn vị sản xuất, SATRA cũng sở hữu Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Bình Điền, quy mô lớn nhất cả nước và tiếp tục được đầu tư phát triển để trở thành trung tâm giao thương hàng hóa mang tầm vóc quốc gia.
Về thế mạnh thương mại dịch vụ, SATRA còn có hệ thống bán lẻ bao gồm 2 Trung tâm thương mại Centre Mall, 3 siêu thị Satramart và chuỗi gần 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods trải dài khắp TPHCM và TP. Cần Thơ với tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 90% trở lên. Các hệ thống bán lẻ SATRA đều là điểm bán hàng bình ổn thị trường.
Tích cực kết nối
Thông qua các đợt kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành trên cả nước, SATRA đã tiến hành gặp gỡ và trao đổi với hơn 400 nhà cung cấp (NCC) ở vùng Tây Nguyên (54NCC); vùng Duyên hải Nam Trung bộ (286 NCC); vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (60 NCC) vùng Đông Nam bộ (76 NCC); vùng Bắc bộ - Bắc Trung bộ (90NCC). Các bên đã có cơ hội cảm nhận, đánh giá sản phẩm, cùng trao đổi để tìm ra giải pháp hợp tác ưu việt nhất.
SATRA mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, cơ sở sản xuất trên cả nước để tìm kiếm và đưa thêm các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao vào các đơn vị thuộc hệ thống bán lẻ Satra. Ảnh chụp tại chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh thuộc các vùng kinh tế Bắc bộ - Bắc Trung bộ. Ảnh: SATRA |
Qua đó, SATRA đã ký tổng cộng 15 biên bản ghi nhớ/hợp đồng với các NCC. Đồng thời cũng chọn được khoảng 60 NCC có tiềm năng để đưa hàng hóa vào kinh doanh tại các đơn vị trong hệ thống bán lẻ SATRA. Hiện đã có 9 NCC đưa hàng vào kinh doanh tại hệ thống bán lẻ SATRA với tổng doanh thu gần 1,2 tỷ đồng.
Tăng cường kết nối, đồng hành tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển của SATRA. Theo đó, SATRA tích cực tham gia những sự kiện xúc tiến thương mại của các địa phương; chủ động tìm kiếm, mở rộng nguồn cung theo nhu cầu tiêu dùng; xây dựng các hồ sơ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, cơ sở sản xuất tại địa phương những điều kiện cần và đủ để nhanh chóng đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ SATRA…
"SATRA nói chung và Hệ thống bán lẻ SATRA nói riêng, luôn mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, đặc trưng của từng vùng miền" – đại diện SATRA chia sẻ.
SATRA tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP được trưng bày tại những vị trí thuận lợi để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn.. Ảnh chụp quầy hàng OCOP tại Satramart Siêu thị Phạm Hùng. Ảnh: SATRA. |
Tháo gỡ khó khăn, cùng tiến với sản phẩm OCOP
Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, SATRA cũng đối mặt với một số khó khăn và thách thức trong việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Người tiêu dùng chưa biết nhiều, hiểu rõ về sản phẩm OCOP nên chưa phân biệt và chấp nhận các sản phẩm này với giá cả nhỉnh hơn các sản phẩm cùng loại. Các đơn vị OCOP chưa nắm rõ thông tin về các hồ sơ liên quan đến sản phẩm khi đưa vào hệ thống siêu thị. Một số công ty, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất quy mô hoạt động còn nhỏ, năng lực cung ứng còn thấp nên gặp khó trong việc ổn định lượng hàng cung cấp. Các sản phẩm OCOP chưa có đầu tư nghiên cứu hình thức để thu hút người tiêu dùng.
Tổng Giám đốc SATRA Lâm Quốc Thanh (hàng ngồi, thứ sáu, từ trái qua) đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà cung cấp đạt Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chuẩn 3 và 4 sao của Ủy ban Nhân dân TPHCM năm 2022. Ảnh: SATRA |
Tuy nhiên, SATRA không ngừng tìm kiếm giải pháp với mong muốn được kết nối và đa dạng hóa các sản phẩm OCOP trong hệ thống như chủ động giảm chi phí vận chuyển, giảm phí thuê mặt bằng, giảm lợi nhuận, tạo điều kiện thanh toán linh hoạt và nhanh chóng; tăng cường quảng bá, truyền thông cho các sản phẩm OCOP thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội, website, ứng dụng di động của SATRA; thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá; trưng bày sản phẩm ở vị trí bắt mắt…
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP là chiến lược kinh doanh của SATRA. Với nhiều hoạt động kết nối và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, Hệ thống bán lẻ SATRA đã góp phần mang lại kết quả tích cực cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Hiện, SATRA cung ứng rất nhiều sản phẩm OCOP (như gia vị, miến khô, thủy hải sản, bún tươi …) cho người tiêu dùng tại hệ thống bán lẻ. Doanh thu ước tính 8 tháng đầu năm đạt hơn 5 tỷ đồng. Các sản phẩm OCOP đã tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng TPHCM và du khách, được đánh giá cao về chất lượng, giá trị của mỗi sản phẩm OCOP.
Miến Việt Cường (Thái Nguyên), Mủ trôm Dương Thảo (Ninh Thuận), kẹo dừa sáp Cầu Kè (Bến Tre), nước mắm Cửa Lò (Nghệ An), hạt điều vỏ lụa Liên Sanh (Hóc Môn)… là một trong nhiều sản phẩm OCOP đã được hệ thống bán lẻ SATRA dành hẳn khu vực riêng để trưng bày và giới thiệu với người tiêu dùng.
Trước đó, Chợ Đầu mối Bình Điền cũng phân phối nhiều sản phẩm OCOP của Vĩnh Long và Tây Ninh như rau rừng, bún, miến, phở… với đầu ra phát triển ổn định. Thời gian tới, chợ Bình Điền mở rộng sản phẩm OCOP từ nhiều nhà cung cấp ở khu vực miền Tây Nam bộ.
Hệ thống bán lẻ SATRA thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu tiêu dùng của TP.HCM. Ảnh chụp chương trình khuyến mại đang diễn ra tại Hệ thống bán lẻ Satra, từ ngày 31-8 đến 17-9-2023. Ảnh: SATRA |
“OCOP là sản phẩm mang tính đặc trưng của Việt Nam, được sản xuất và phân phối bởi các doanh nghiệp Việt. Vì thế, OCOP không chỉ là sản phẩm, mà còn là câu chuyện về sự đoàn kết và sáng tạo của người Việt. Phát huy tinh thần vì cộng đồng, SATRA đã và đang nỗ lực để lan tỏa câu chuyện này đến với người tiêu dùng một cách sinh động, hiệu quả. Đó cũng là một phần không thể thiếu trong định hướng phát triển của chúng tôi” – bà Phạm Thi Vân – Phó Tổng Giám đốc SATRA nhấn mạnh.
Hướng dẫn chào hàng vào Hệ thống bán lẻ SATRA link: https://satra.com.vn/tin-tuc/huong-dan-chao-hang-vao-he-thong-ban-le-satra--32265