4 giờ 30 sáng, khi còn đang “tròng trành” theo sóng nước, bất chợt tiếng loa từ boong chỉ huy tàu KN-290 vang lên: “Hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức”. Chúng tôi bật dậy, hối hả chuẩn bị quân tư trang để 5 giờ rời tàu, lên xuồng vượt sóng tới nhà giàn DK1/10.
“Thép” giữa trùng khơi
Bình minh dần ló rạng, nắng lấp lánh trên những cánh sóng. Chúng tôi mang tâm trạng háo hức lần đầu được đến với nhà giàn DK1. Nhưng sóng biển cao 1,2-1,5m, gió giật mạnh làm chiếc xuồng chao đảo dữ dội. Việc tiếp cận nhà giàn DK1/10 vô cùng khó khăn. Gần 1 giờ kiên trì, xuồng cũng tiếp cận được chân đế nhà giàn.
Theo hiệu lệnh của thuyền trưởng, từng thành viên bám nhanh vào những bậc thang trơn tuột, nhanh chóng leo lên sàn công tác của nhà giàn. Nơi đó có những người lính trẻ đưa những bàn tay săn chắc hỗ trợ chúng tôi trèo lên trên và nói trong tiếng gió: “Anh cẩn thận. Mời anh lên nhà ạ!”.
Sau nghi thức chào quân đội, cái ôm chầm giữa lãnh đạo đoàn đại biểu TPHCM và các cán bộ, chiến sĩ khiến nhiều người không khỏi xúc động. Đại úy Nguyễn Đình Đức, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, rất xúc động khi dù thời tiết xấu, đoàn đại biểu TPHCM vẫn quyết tâm vượt sóng để thăm cán bộ, chiến sĩ: “Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân dân TPHCM đã tới thăm cán bộ, chiến sĩ nhà giàn giữa mùa biển động”.
Lính nhà giàn gọi những ngôi nhà thép sừng sững giữa biển là “nhà”. Nhà giàn DK1/10 được xây dựng từ năm 1994, cao khoảng 20m so với mặt nước biển với 3 tầng nhà, mỗi tầng rộng khoảng 60m². Nhiều đại biểu vấn vương bởi ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay ấm tình quân - dân…, nhưng khá bất ngờ là tiếng gà gáy vang giữa mênh mông biển trời, gợi nhắc về một vùng quê yên bình.
Chúng tôi háo hức đi thăm từng vạt rau xanh trồng trong các hộp xốp đặt bên rìa nhà giàn đang vươn mình xanh nõn. Nơi tập luyện thể thao với những tay tạ bóng loáng mồ hôi người tập. Bếp gọn gàng sạch sẽ, chăn màn trên giường ngủ được gấp vuông vức…
Chông chênh giữa biển, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm, vậy mà có những người lính đã bám trụ, dành gần hết tuổi thanh xuân cho nhà giàn. Thiếu tá, bác sĩ quân y Bùi Văn Thọ năm nay đã gần 50 tuổi, hơn 1/3 số tuổi đó anh dành cho 7/15 nhà giàn. Tháng 3-2023, khi đang làm nhiệm vụ ở nhà giàn thì anh nhận tin cha mất. Không thể về chịu tang, trong lòng anh day dứt. Được đồng đội chia sẻ, các cấp chỉ huy động viên, anh đã vượt qua thời khắc khó khăn đó để cùng đơn vị hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Đi biền biệt, 7 cái tết gần nhất anh chưa đón cùng gia đình.
Được hỏi vì sao không xin vào bờ công tác cho gần vợ con, Thiếu tá Bùi Văn Thọ cười hiền: “Người lính thì ở đâu cũng làm nhiệm vụ cho đất nước. Lúc đầu, nhất là khi có gia đình, tôi cũng muốn vào bờ, nhưng lúc đêm về lại nhớ đồng đội da diết, vậy là động viên vợ rồi ra nhà giàn, gắn bó mãi đến giờ. Tết này tôi được về phép sum vầy bên gia đình, sau đó sẽ tiếp tục nhận nhiệm vụ ở nhà giàn khác. Lính mà, được cống hiến, phục vụ hết 15 nhà giàn tôi mới toại nguyện”.
Là người con duy nhất của TPHCM đang làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1/10, Trung sĩ báo vụ Nguyễn Tấn Giàu (20 tuổi, ngụ quận 8) hàng ngày tham gia trực canh, quan sát, nắm bắt thông tin liên lạc và tham gia huấn luyện chiến đấu. Giàu chia sẻ, vào quân ngũ cũng là lần đầu tiên xa nhà, Giàu nhận nhiệm vụ từ ngày 15-1-2024 với rất nhiều bỡ ngỡ. Theo thời gian, được sự động viên, hỗ trợ của đồng chí, đồng đội, cảm giác nhớ nhà qua nhanh.
“Những ngày huấn luyện nắng lửa và muối mặn biển khơi, tôi mới hiểu được vất vả, gian khổ của thế hệ cha anh đi trước. Tôi thấy mình trưởng thành lên từng ngày trong tình yêu thương của đồng chí, đồng đội. Vững niềm tin, chắc tay súng, canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ mà tôi ghi nhớ và thực hiện thật tốt để luôn xứng đáng, tự hào là người con của TPHCM, là người lính nhà giàn”, Trung sĩ báo vụ Nguyễn Tấn Giàu bày tỏ.
Những người con ưu tú
Có mặt cùng đoàn đại biểu TPHCM ngay từ ngày đầu hải trình tại Lữ đoàn 125 Hải quân - Quân chủng Hải quân, Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1, chia sẻ, hơn 35 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã viết nên truyền thống “Kiên cường dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết kỷ luật, giữ vững chủ quyền”.
Truyền thống ấy khắc sâu trong tâm khảm của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1. Trong niềm tự hào hôm nay, không thể không nhắc đến những khúc tráng ca của tiểu đoàn. Bởi để có những “pháo đài” giữ biển vững chãi như ngày nay, luôn có hình bóng dũng cảm và kiên cường của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã trải qua bao hy sinh gian khổ trước cuồng phong, bão tố.
Trung tá Trịnh Văn Nghị kể: Đêm ngày 4, rạng sáng 5-12-1990, cơn bão số 10 có sức giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, nơi có nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần. Dưới sự chỉ huy của Trung úy Bùi Xuân Bổng, Chỉ huy trưởng nhà giàn và Thượng úy, Chính trị viên phó Trần Hữu Quảng, tập thể cán bộ, chiến sĩ nhà giàn ra sức chống chọi với bão tố.
Nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi 8 cán bộ, chiến sĩ. Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ, để rồi mãi mãi ra đi vào lòng biển cả. Trong 8 cán bộ, chiến sĩ của nhà giàn DK1/3 hôm ấy, cùng với Thượng úy Trần Hữu Quảng, Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Là (quân y) và chiến sĩ Hồ Văn Hiền (nhân viên cơ điện) đã anh dũng hy sinh.
Đó còn là tấm gương hy sinh của Đại úy, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6. Rạng sáng 13-12-1998, đối mặt với sóng dữ, gió giật dữ dội của cơn bão số 8, nhà giàn DK1/6 đã bị xô nghiêng. Đại úy Vũ Quang Chương đã bình tĩnh chỉ huy cán bộ, chiến sĩ rời nhà giàn, thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng và rời nhà giàn sau cùng.
Trong cơn cuồng phong đó, anh và Chuẩn úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã hòa mình vào sóng nước biển khơi. Chuẩn úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt cha. Chuẩn úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn DK1/6 bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” rồi hy sinh!
Trung tá Trịnh Văn Nghị khẳng định: “Từ trong sâu thẳm lòng mình, chúng tôi nguyện mãi tiếp bước, xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng - Nhà nước, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và nhân dân giao phó, với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ”.
Giờ phút chia tay, mỗi thành viên trong đoàn đại biểu TPHCM dâng trào tình yêu thương và sự cảm phục đối với các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10. Họ là điểm tựa của đất liền, của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Chuẩn đô đốc Lê Bá Quân, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, cho biết: Vào thời điểm năm 1987, đầu năm 1988, tình hình chủ quyền khu vực Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, tháng 10-1988, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 Hải quân cùng Hải đoàn 129 bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Các cụm Kinh tế - Khoa học, kỹ thuật - Dịch vụ (gọi tắt là DK1) được xây dựng nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc cũng như thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển. Tới tháng 7-1989, nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng, thuộc cụm Phúc Tần.
Hiện nay, có 15 nhà giàn hiển hiện vững chắc trên các bãi ngầm ở khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, như những “đóa sen” nở trên mặt biển, tạo thành một vành đai thép, giúp chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.