Hiện ĐBSCL có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.
Trong khi đó, ngân hàng cát (là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn, với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) của ĐBSCL cho thấy, hàng năm lượng trầm tích bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong các năm sắp tới.
“Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, tình trạng sạt lở các bờ sông ở ĐBSCL sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà”, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) nhận định.
Hiện các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu về ngân hàng cát ở ĐBSCL, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững ở khối công và tư, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với biến đổi khí hậu của ĐBSCL.