Theo ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 11 vụ sạt lở ở 4 huyện thị, làm mất gần 2.000m2đất. Trong đó, nhiều địa điểm sạt lở cắt đứt một tuyến giao thông nông thôn, địa phương phải có phương án di dời khẩn cấp người dân.
Thời gian gần đây, các đoàn công tác của Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT liên tục đến nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL để khảo sát tìm nguyên nhân sạt lở. Đây có thể nói là các chuyển khảo sát đột xuất, với tần suất dày đặc mà trước nay ít có. Nó phản ánh mức độ sạt lở ngày càng khốc liệt và lan nhanh ra nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL.
Chỉ thống kê tại An Giang cho thấy, mỗi năm trên địa bàn tỉnh này xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm. Hiện có khoảng 51 đoạn bờ sông đã phát đi cảnh báo nguy hiểm sạt lở với chiều dài 62km, chiếm 40% diện tích giáp sông Tiền, sông Hậu của tỉnh An Giang. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu…
Hiện trường vụ sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, An Giang) ngày 22-4 vừa qua. Ảnh: ĐÔNG XUYÊN
Tỉnh An Giang đang cần di dời 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở. Tại Cà Mau, tỉnh này kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng xây dựng 10.000m kè chống sạt lở tại những vị trí xung yếu trên tuyến rừng phòng hộ biển Đông. Cùng với đó cần phải di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao như ven sông, ven biển… đến nơi an toàn.
Về nguyên nhân sạt lở, ban đầu được phân thành 2 khu vực: các sông chịu ảnh hưởng chủ yếu của thượng nguồn (sông Tiền, sông Hậu) và khu vực sông kênh rạch chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều. Nguyên nhân do thay đổi dòng chảy, khai thác cát bừa bãi, sạt lở gia tăng do thiếu hụt bùn, cát trong lòng dẫn.
Trong những nguyên nhân trên thì các nhà khoa học cảnh báo: thiếu hụt bùn, cát trong lòng dẫn là đáng lo nhất. Bởi tình trạng xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mê Kông sẽ gia tăng trong thời thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc phù sa, cát bồi đắp cho ĐBSCL sẽ kiệt quệ (do các đập thủy điện sẽ chắn dòng phù sa, bùn, cát), sạt lở sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Với 11 bậc thang đập thủy điện đã và đang dựng lên trên dòng Mê Kông sẽ tác động khủng khiếp đến vùng hạ lưu. Phù sa nằm lại đập thủy điện. Không chỉ sạt lở, thiếu nước ngọt mà giảm cả phù sa dinh dưỡng mang ra biển.
Chưa bao giờ ĐBSCL dễ bị tổn thương như lúc này khi phải chịu hai gọng kẹp: giảm nước ngọt, phù sa từ dòng Mê Kông; nước biển dâng - xâm nhập mặn ngày khốc liệt. Trong thời điểm này, không ít tỉnh, thành ở ĐBSCL phải cử đoàn cán bộ ra Trung ương xin kinh phí để làm các dự án kè, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở.
Các nhà khoa học cảnh báo: Cần xem xét lại tập quán lâu nay của người dân như thường xây nhà ven các tuyến kênh, sông. Trong khi đặc thù kiến tạo nền đất ở ĐBSCL mềm yếu, có nhiều nguy cơ sạt lở cao. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi khi đề cập đến sạt lở.
Ngay từ bây giờ, chính quyền địa phương cần đưa ra những cảnh báo cần thiết để hạn chế người dân xây dựng nhà cửa gần các tuyến sông; hạn chế xây dựng các tuyến đường giao thông quá cận bờ sông…