Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Tháp, hiện nay tình hình sạt lở ở tỉnh diễn biến phức tạp; hiện có 45 xã, phường, thị trấn bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau. Đáng lo nhất là từ đầu tháng 4-2017 đến nay, trên địa bàn ấp Hòa Bình, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình xảy ra liên tiếp 4 điểm sạt lở với chiều dài sạt lở 210m, diện tích sạt lở 3.250 m², cách quốc lộ 30 khoảng 15m - 25m.
Qua số liệu khảo sát, độ sâu bờ trái đoạn sông Tiền ở khu vực sạt lở cách bờ 10m. Tại đây xuất hiện 1 hố xoáy, tâm cách bờ 80m. Có 6 hộ dân đã tự di dời đến nơi an toàn, còn lại 30 hộ dân, 1 nhà kho, 1 trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hòa, 1 đài nước cần tiếp tục di dời.
Trước nguy cơ trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đã 2 lần công bố khẩn cấp về tình hình sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 600m.
Ông Đỗ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công trình biển (Viện Kỹ thuật Biển) cho rằng: “Sạt lở ở Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL diễn ra khá nhiều. Một trong những nguyên nhân là tình trạng khai thác cát quá mức, chỉ tính từ giai đoạn 1998 – 2008, lòng dẫn sông Tiền đã bị hạ thấp từ 1m đến 1,8m, còn trên sông Hậu lòng dẫn bị hạ thấp từ 1,33m - 1,46m…”.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ tỉnh khoảng 82,56 tỷ đồng (trả nợ tạm ứng ngân sách tỉnh là 53,99 tỷ, thực hiện năm 2018 là 28,26 tỷ đồng) từ Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập sâu, vùng biên giới… đến nơi an toàn; đồng thời, cho triển khai chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư ở tỉnh giai đoạn 2016-2020 nhằm phục vụ di dân vùng sạt lở. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình) thêm 2.300m về phía hạ lưu.