Sạt lở hầm đường sắt ở Phú Yên: Khắc phục gặp khó, nhiều chuyến tàu tiếp tục trễ

Ngày 25-5, Cục Đường sắt Việt Nam đang huy động 110 công nhân, cán bộ và nhiều phương tiện, công cụ hỗ trợ để khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam có mặt, chỉ đạo công tác khắc phục và đánh giá tổng thể sự cố sạt lở hầm.

Số nhân lực trên được phân công 3 mũi thi công, gồm: 2 mũi thi công phía Bắc và phía Nam hầm; 1 mũi thi công thực hiện khoan địa chất từ trên đỉnh hầm xuống và phun bê tông. Đơn vị thi công bố trí 2 tàu công trình, các máy đào, khoan, phun bê tông… để khơi thông hầm.

>>> Clip công trường thi công, khắc phục sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh:

z5475447323350_09766b1c60434da75316d4797907da93.jpg
Đơn vị thi công đang nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh trong ngày 25-5

Trong ngày, các công nhân đã thi công kéo được 1 trong 2 toa tàu công vụ bị đất đá vùi lấp từ sự cố sạt lở hầm vào ngày 21-5. Hiện, còn 1 toa tàu đang bị vùi lấp.

Tại hiện trường, ông Trần Thiện Cảnh cho biết, do miệng hố sạt lớn hơn rất nhiều so với nhận định ban đầu nên các công nhân được tăng cường để khoan neo gia cố hầm, miệng sụt lở. Khối lượng thi công rất lớn, nên thời gian thông hầm, thông tàu có thể lùi lại.

“Quá trình khoan neo gặp nhiều chướng ngại vật, do quá trình sạt lở, đất và đá đã đè chặt các khoan neo cũ nên khi khoan mới xuống thì mắc, liên tục thay đổi vị trí khoan nên thời gian khắc phục sẽ phải kéo dài”, ông Cảnh thông tin với báo chí.

z5475449140929_974f08b47c68f104b0422d4e961891e7.jpg
Các mũi khoan từ đỉnh hầm đường sắt Chí Thạnh liên tục gặp khó

Về phương án khắc phục, Cục trưởng Cục Đường sắt cho biết, nguyên lý trước hết phải gia cố địa tầng vỏ hầm tại vị trí hố sạt, sau đó khoan đưa vữa kết bê tông vào thành vỏ hầm, khung chống 2 bên từ hướng Bắc và hướng Nam. Khi bê tông phun đủ cường độ, sẽ tiến hành đào khoan vào sâu bên trong để thông hầm.

Được biết, hầm đường sắt Chí Thạnh là 1/11 hầm đường sắt nằm trong dự án kiên cố hóa các hầm đường sắt cả nước, đang được Bộ GTVT triển khai (tổng kinh phí 7.000 tỷ đồng). Hiện, dự án đã cải tạo, kiên cố được 9 hầm, còn 2 hầm đang khắc phục là hầm đường sắt Chí Thạnh (do Ban Quản lý dự án 85 thực hiện) và hầm Bãi Gió, tỉnh Khánh Hòa.

z5475447253203_ac5be8fb65cfa687b9b2c83cd53db558.jpg
Nhiều khó khăn trong khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh

Trước đó, ngày 23-5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã dẫn đoàn công tác của Bộ này đến kiểm tra sự cố sụt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. Tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo rà soát lại tất cả các hầm đường sắt miền Trung.

Đối với sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh và trước đó sạt lở ở hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa), lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, do địa chất khu vực 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phức tạp, kết cấu bở rời. Trong đó, 2 hầm này có điểm chung trên đỉnh hầm có đường bộ đang khai thác đầu nối qua nên bị ảnh hưởng.

z5475447250572_883403bfd23df4d806cbf1220275bfc0.jpg
Máy móc được huy động để khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, khu vực 2 hầm này thường có mưa nên toàn bộ đặc tính cơ lý của đất bị giảm, dẫn đến sự cố sạt lở đất, đá trong hầm đường sắt.

z5475447252894_e03fab16aac681bd0e4c66a1cc0bdbbf.jpg
Đơn vị chức năng đang kiểm tra công tác khắc phục bên trong hầm đường sắt Chí Thạnh

Hủy nhiều chuyến tàu, cật lực "giải cứu" hành khách

Sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh khiến nhiều chuyến tàu Bắc - Nam bị hủy trong tháng 5-2024. Ngành đường sắt hủy các tàu SE9/SE10 (Hà Nội – TPHCM) từ ngày 23 đến 29-5; tàu SE42 (Nha Trang - Đà Nẵng) từ ngày 24 đến 29-5 và tàu SE41 từ ngày 25 đến 30-5. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hành khách đã mua vé trên các chuyến tàu sẽ được trả hoặc đổi vé không mất phí tại nhà ga.

Theo một lãnh đạo Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, sau sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh đến nay, đơn vị đã chuyển tải bằng nhiều phương tiện 51 chuyến tàu với 12.000 hành khách. Ngoài ra, nhiều hàng hóa khác của hành khách cũng bị ách tắc.

Tin cùng chuyên mục