Sống bên bờ hiểm nguy
Một ngày cuối tháng 6, người dân sống ven sông Sài Gòn ở ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi nghe một tiếng “rầm”. Lập tức chạy ra xem, những người có mặt một phen sợ hãi khi trước mắt là phần đê bao dài 20m, rộng khoảng 3m đã trôi xuống sông. Lo sợ tiếp tục sạt lở ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, chính quyền cùng người dân đã nhanh chóng tổ chức thi công, đóng cừ dừa, đổ cát gia cố tạm thời. Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, phần bờ đê còn lại bị lún xuống gần 20cm so với mặt đường, gần như tách rời với tuyến đê bao.
Cũng thuộc dự án đê bao sông Sài Gòn, đường đê xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) xuống cấp nặng, nhiều ổ gà, ổ voi, sình lầy. Đáng lo hơn, đê bao nội đồng rạch Bà Hồng với mục đích để ngăn triều cường nhưng mới đây mực nước đã xấp xỉ bằng bờ bao. Ông Nguyễn Trọng Hoàng (ở xã Nhị Bình) lo lắng cho biết, rạch Bà Hồng có hơn 20 cống ngăn triều nhưng đã hư gần hết. Mỗi khi triều lên cao, người dân phải đóng ván gỗ vào cống tạm bợ để ngăn nước. Còn trước mùa mưa, người dân và chính quyền địa phương lại đắp bờ đê cao lên để tránh nước “chảy ngược” vào phía nhà dân. Cách đó không xa, đê bao sông Sài Gòn thuộc khu vực tổ 8 cũng bị sạt lở, khiến hành lang đê bao rộng hơn 3m đang mất dần.
“Dù sạt lở diễn ra nhưng người dân không thể tự ý đắp bờ đê”, bà Phạm Thanh Hương (tổ 10, xã Nhị Bình) rầu rĩ nói. Khu vườn của gia đình bà Hương, từ năm 2020 đến nay đã bị “hà bá” nuốt khoảng 100m2, ngày càng sạt lở sâu vào trong. Nguyên nhân do từ khi cảng An Sơn (tỉnh Bình Dương) đưa vào hoạt động, nhiều tàu thuyền công suất lớn chạy ra vào đã tác động mạnh đến con nước, khiến đất bên bờ TPHCM sạt lở nhanh hơn. “Xót xa vườn tược trôi mất xuống sông, tôi xin thủ tục sửa chữa, gia cố nền đất thì được xã hướng dẫn lên huyện. Hỏi ra mới biết rất nhiêu khê, phải có đơn vị tư vấn, thiết kế có chuyên môn về thủy lợi, xây kè… Thấy phức tạp quá, tôi thuê nhà thầu tự làm. Đang thi công thì bị Trung tâm Quản lý đường thủy yêu cầu ngưng, nếu không sẽ bị phạt”, bà Phạm Thanh Hương kể và đưa ra biên bản làm việc tạm ngưng thi công lập vào ngày 20-6. Trớ trêu thay, vài ngày sau đó, những phần đất mới gia cố dang dở cũng đã trôi xuống sông! Căn nhà sát bên của gia đình bà Hương cũng nghiêng xuống sông, bị xé tường nứt toác.
Chưa có đơn vị duy tu, bảo dưỡng
Năm 2021, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương tu sửa, gia cố cấp bách các vị trí đê bao sạt lở, cống ngăn triều bị hư hỏng thuộc công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn tại 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng thuộc phường Thạnh Lộc (quận 12) và xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, những giải pháp hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, bởi người dân, cán bộ xã, huyện, có khi nhân viên phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM phải tự kiểm tra đê bao. Nếu đê bao có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thì những đoạn có dấu hiệu hư hỏng sẽ được khắc phục kịp thời.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, dự án đê bao sông Sài Gòn mới hoàn thành đã phát huy hiệu quả, giúp chống lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa nghiệm thu công trình do vướng thủ tục nên không thể bàn giao cho đơn vị chức năng để duy tu, bảo dưỡng. Mặt khác, công trình làm bằng cát, đã hoàn thành từ nhiều năm, xây dựng trên nền đất yếu nên qua quá trình thời gian đã biến dạng, hiện trạng đã thay đổi không còn đúng với thiết kế ban đầu. Hiện nay, trong khi chờ bàn giao hiện trạng công trình, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy phối hợp với các địa phương thường xuyên rà soát các vị trí xung yếu trên đê bao, kịp thời có báo cáo UBND TPHCM sửa chữa nếu có sạt lở. Nhưng vì không phải thẩm quyền nên việc quản lý, tu bổ chưa đạt được như mong muốn!
Như vậy có nghĩa, công trình đầu tư cả ngàn tỷ đồng, thi công gần 10 năm trước, nay lại “bỏ hoang”? Đất đai, tài sản, đặc biệt là tính mạng của người dân nằm dọc theo bờ sông bị tổn thất, ai chịu trách nhiệm?