Sát hạch để nâng cao hiệu suất làm việc
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, gắn với phát huy năng lực cán bộ, công chức, viên chức. Đây là đòi hỏi bức thiết hiện nay, khi từ ngày 1-7-2020 (thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực), không còn khái niệm “biên chế suốt đời” với viên chức.
Lâu nay, công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức, viên chức chậm thay đổi. Các phương pháp khoa học định lượng khách quan trong đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ, công chức, viên chức chậm được áp dụng để thay thế phương pháp đánh giá thiên về định tính, bình xét nhiều cảm tính chủ quan là chủ yếu. Mặt khác, viên chức tham gia vào bộ máy lâu nay theo 2 cách: thi tuyển và xét tuyển. Viên chức trong bộ máy được bảo đảm bằng “chế độ biên chế” suốt đời. Qua một thời gian thực thi công vụ thì không ít người tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ.
Để khắc phục tồn tại này, cần thiết bổ sung chế định sát hạch cán bộ, công chức, viên chức. Xin nhấn mạnh rằng, chế định sát hạch khác với việc kiểm điểm hàng năm hiện hành. Sát hạch là công tác cơ bản của việc quản lý công chức, viên chức. Nó đóng vai trò quan trọng làm cho cơ chế động viên của việc quản lý nhân sự ngày một vững chắc, đưa ra những căn cứ khách quan cho việc tuyển chọn những người có đức, có tài ra làm việc, nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước. Cơ chế này đã được các nước có nền công vụ tiên tiến áp dụng.
Chẳng hạn, ở các nước như Anh, Nhật Bản... sát hạch là một khâu quan trọng, có tính nền tảng trong công tác quản lý công chức. Qua sát hạch (định kỳ hoặc không) sẽ kiểm tra, khảo sát, thẩm định về hiệu quả, thành tích làm việc và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác… của công chức, viên chức. Thông qua đó để thực thi việc thưởng phạt, cất nhắc hợp lý, công bằng và giúp phát huy đầy đủ tính tích cực của công chức, viên chức.
Công cụ khoa học ngăn chặn lạm quyền
Công việc sát hạch công chức sẽ phát huy được tác dụng trên nhiều mặt trong công tác quản lý công chức. Thông qua sát hạch, giúp đánh giá chính xác và tìm hiểu toàn diện về tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và thành tích thực tế trong công tác của công chức. Đây là căn cứ giúp kịp thời điều chỉnh những trường hợp có thành thích bình thường và loại ra khỏi bộ máy những công chức kém cỏi.
Sát hạch cũng là biện pháp hữu hiệu để khích lệ các công chức hăng hái phấn đấu vươn lên. Nó mang tính khách quan rõ rệt. Có được những tiêu chuẩn khách quan này, sẽ tránh được tình trạng tùy tiện, chủ quan khi nhận xét đánh giá; đồng thời khắc phục tệ nạn ô dù thân quen, “sống lâu lên lão làng”, kể cả việc đánh đồng, bình quân chủ nghĩa. Đặc biệt, sát hạch còn là đòn bẩy nâng cao hiệu suất công tác trong các cơ quan nhà nước.
Từ ngày 1-7-2020, sẽ thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức. Điều này đồng nghĩa với việc không còn “biên chế suốt đời”, mà người đứng đầu đơn vị phải có đánh giá, nhận xét, để từ đó quyết định ngưng hay tiếp tục hợp đồng với viên chức. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả đánh giá khách quan, cần cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh việc lạm quyền của người đứng đầu - là thủ trưởng các đơn vị, nắm quyền quyết định trong việc sa thải người lao động. Ngoài cơ chế, công cụ để giám sát, kiểm soát, cũng rất cần bổ sung một công cụ khoa học, khách quan như sát hạch để tránh lạm quyền. Hình thức sát hạch nên tổ chức trắc nghiệm trên máy tính. Đồng thời cần sự hỗ trợ, tham gia của các tổ chức xã hội, hiệp hội nghề nghiệp… trong xây dựng, soạn thảo ngân hàng câu hỏi sát hạch phong phú và cập nhật hàng năm.
Kinh nghiệm sát hạch các nước Ở Anh, sát hạch là xem xét về thái độ cần cù làm việc và thành tích, đồng thời lấy sát hạch thành tích làm trọng điểm. Sát hạch thành tích bao gồm 10 nhân tố: tri thức công việc, tính tình nhân cách, khả năng phán đoán, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, độ tin cậy, tính thích ứng nhanh nhạy, năng lực giám sát, lòng nhiệt tình và hành vi đạo đức. Kết quả sát hạch này là căn cứ rất quan trọng trong đề bạt. |