Nhóm họp theo thời điểm phù hợp
Ở khu vực trung tâm TPHCM, tại góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học (quận 1), chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh đã được giải tỏa, các tiểu thương được di dời về chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền. Nhưng do nhu cầu trao đổi hàng hóa từ các chợ đầu mối, đã xuất hiện một chợ tạm, tồn tại như một điểm trung gian.
Để sắp xếp trật tự chợ tạm này, lãnh đạo phường Cầu Ông Lãnh đã thực hiện giải pháp giới hạn giờ giấc họp chợ. Trung tá Trần Hữu Thành, Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh, cho biết: “Đặc thù ở chợ này là nhóm họp từ nửa đêm đến sáng. Do vậy, UBND phường cho phép tiểu thương họp chợ, trao đổi hàng hóa, thực phẩm. Đến đúng 6 giờ sáng mỗi ngày, các tiểu thương phải dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ. Việc làm này có cam kết hẳn hoi, ai vi phạm sẽ bị xử phạt và tạm giữ hàng hóa”.
Lâu nay, việc xử lý các trường hợp bày biện hàng hóa lung tung, dừng đậu xe tại giao lộ này và các tuyến đường lân cận đã được chính quyền địa phương triển khai rất đồng bộ. Lực lượng liên ngành với sự có mặt của lãnh đạo Đảng ủy, UBND, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, công an, quân sự… của phường tham gia tuần tra, phát hiện, xử lý sai phạm. Nhờ vậy, dù rất náo nhiệt vào nửa đêm về sáng, nhưng tình hình an ninh trật tự, giao thông ở đoạn đường này vẫn đảm bảo.
Chấn chỉnh căn cơ
Như một quy luật, cứ kề cận một chợ truyền thống lại xuất hiện một chợ tự phát. Trong giờ cao điểm sáng - chiều, các con đường xung quanh chợ Thị Nghè, như Nguyễn Ngọc Phương, Phan Huy Ôn, Xô Viết Nghệ Tĩnh… lúc nào cũng nườm nượp người mua bán. Các lực lượng trật tự liên tục ra quân chấn chỉnh trật tự lòng lề đường.
Các tuyến đường xung quanh chợ Thị Nghè được lắp đặt camera, nên dù ngồi ở trụ sở Công an phường 19 (quận Bình Thạnh), lực lượng chức năng đều phát hiện kịp thời sai phạm. Tiếng loa phát ra liên tục, yêu cầu các tiểu thương, người đi chợ sắp xếp phương tiện trật tự để không cản trở giao thông. Các tiểu thương “buôn gánh, bán bưng” chỉ được sắp xếp hàng hóa buôn bán cặp sát hông chợ và không được lấn chiếm phần bờ kè.
Tương tự, gần cầu Phú An, chợ chiều trên đường Vũ Duy Ninh đã được chính quyền địa phương chấn chỉnh khá căn cơ. Vào giờ cao điểm sáng - chiều, khu vực đầu đường Vũ Duy Ninh, bên hông trường học Cửu Long đều có một vài bảo vệ dân phố trực gác.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND phường 22 quận Bình Thạnh, cho biết: “Người dân quen gọi đây là chợ chiều vì khi xưa chợ chỉ nhóm họp vào buổi chiều, bây giờ thì chợ nhóm họp cả ngày. Chợ này đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ở khu vực. Đặc biệt, từ khi thành phố và địa phương triển khai các công trình giao thông, nhà cao tầng, thì người lao động, dân nhập cư tập trung ở địa phương này rất cao. Vào lúc tan ca buổi chiều, nhiều người vẫn mặc nguyên quần áo công nhân, bảo hộ lao động đi chợ để lo bữa ăn”.
Do quan tâm nhu cầu mua bán của người dân địa phương, trước khi ra quân chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, lãnh đạo UBND phường 22 đã dành thời gian đến gặp hơn 100 tiểu thương tại chợ chiều. Việc vận động tiểu thương chấp hành bày hàng hóa, buôn bán trật tự và ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường đã tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh và được sự đồng thuận của cư dân địa phương.